Vợ chồng thu nhập 15 triệu vẫn có thể mua nhà Hà Nội
Vợ chồng chị Thảo cưới nhau đã được 5 năm. Cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, nên lương khá bèo bọt, tổng lương được 15 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị Thảo chấp nhận ở nhà trọ, bởi tiền mua nhà rất lớn, chị Thảo lại không muốn vay nợ ngân hàng rồi lo còng lưng trả nợ.
Hai vợ chồng chị Thảo đã thuê một căn nhà trọ 20m2 trong ngõ sâu với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Mới đầu, Khi chưa có con đầu lòng thì hàng tháng tổng chi tiêu chỉ hết tầm 5 triệu/tháng, tiết kiệm được 10 triệu đồng/tháng.
Sau khi kết hôn được 2 năm thì hai vợ chồng chị Thảo đã dành dụm được số tiền gần 300 triệu đồng. Nhưng khi chị Thảo bắt đầu sinh con, thì căn nhà thuê cũng vì vậy mà chật hẹp thêm, chi tiêu gia đình hàng tháng cũng phải 8 - 9 triệu đồng mới đủ.
Tuy nhiên, sau 5 năm chị Thảo tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng, nhưng giá nhà ở Hà Nội quá cao, một căn rẻ nhất ở xa trung tâm cũng phải tầm 1 tỷ đồng. Đợi đến lúc đủ tiền mua nhà cũng phải mất tầm 6 - 7 năm nữa. Trong khi đó, giá nhà thì tăng lên mỗi ngày nên có thể không còn như lúc này nữa. Hơn nữa, trong ngần ấy năm, chị Thảo vẫn đều đặn mất chi phí thuê nhà trọ, phí điện, nước cũng rất là cao.
Nghĩ như vậy, vợ chồng chị Thảo quyết định mua một căn hộ diện tích 65m2, giá 1,2 tỷ đồng, vay ngân hàng 70% và quyết định chọn mức hạn trả dài nhất. Bởi cuộc sống nhiều bất trắc, số tiền tiết kiệm hàng tháng cũng không thể dành trả nợ hết mà còn dự phòng đau ốm, đột ngột hoặc khi có biến cố bất ngờ xảy ra.
Hiện giờ vợ chồng chị Thảo đã có căn nhà riêng của mình và hàng tháng vẫn trả nợ. Có nhà để ở thì cảm giác trả nợ cũng thoải mái hơn rất nhiều. Lúc này thì chị Thảo mới thấm câu "an cư lạc nghiệp".
4 bí quyết tiết kiệm tiền của các cặp vợ chồng trẻ
Đầu tư gì với số tiền nhỏ để mang về lợi ích nhiều nhất: Trước tiên bạn phải hiểu được nguồn thu nhập của gia đình hiện tại. Khi bạn muốn tiết kiệm hay chi tiêu nhiều tiền hơn, hãy hiểu được thói quen tiêu tiền hiện tại của gia đình của gia đình mình, rồi lên kế hoạch và kiểm tra chi tiêu của gia đình hàng tuần. Chính việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn dễ dàng xác định được mình đã chi “quá tay” ở những mục nào để kịp thời điều chỉnh mức chi tiêu của mình.
Nên cẩn thận trong việc mua sắm: Bạn hãy cẩn thận trong việc mua sắm. Trung bình mỗi tháng, bạn hãy tính toán kỹ những khoản chi bắt buộc như tiền điện, tiền nước… với thu nhập của hai vợ chồng. Đồng thời, trước khi mua bất cứ thứ gì, bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ vì nếu không bạn không thể tiết kiệm. Ví dụ, nếu quyết định mua một chiếc xe hơi trả góp thì mỗi tháng bạn phải trả thêm một khoản tiền nữa, điều này sẽ làm giới hạn chi tiêu hàng ngày của gia đình.
Nên nói “không” với khoản chi không cần thiết: Để đạt được mục đích của mình, bạn nên xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để dễ phân bổ những khoản chi tiêu sao cho hợp lý. Giả dụ bạn dự định cho con đi du học thì ngay bây giờ, bạn phải giảm những hoạt động vui chơi xa xỉ của gia đình như thường xuyên ăn nhà hàng, mua đồ hiệu… thay vào đó là những hoạt động mang tính gắn kết gia đình với chi phí hợp lý hơn như: đưa cả nhà đi công viên, tham quan sở thú...
Tiết kiệm cho từng mục tiêu cụ thể: Bên cạnh những phương án để dành thông thường, bạn có thể sử dụng nhiều cách khác để tiết kiệm như, mua bảo hiểm tiết kiệm, thiết lập nhiều tài khoản tiết kiệm và mỗi tài khoản dành cho một mục tiêu khác nhau. Bạn nên lập một tài khoản để dành đi du lịch hoặc một tài khoản để mua một chiếc xe mới như vậy bạn sẽ dễ dàng tới đích hơn.
(*) Tên nhân vật trong bài đã thay đổi