Hạnh phúc bình dị của gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực

07:14, Thứ năm 28/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Trong ngôi nhà giản dị của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực, không lúc nào vơi đi tiếng cười nói, với họ có thể về vật chất họ không bằng ai, nhưng về tinh thần thì họ luôn “giàu có”.

Đi qua cái cổng sắt đã cũ trên con ngõ của đường Hoàng Văn Thái- Hà Nội ấy để vào bên trong ngôi nhà thơm hương vị đồng quê mới thấy được cuộc sống bình yên, giản dị của một vị tướng. Chủ nhân ngôi nhà ấy từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Phòng không, Giám đốc Học viện Phòng không, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự Bộ Quốc phòng. Ông là Thiếu tướng, Anh hùng Nguyễn Văn Thực.
[links()]
Thế giới bình yên

Nếu như thế giới bên ngoài nơi ngõ chợ là sự ồn ào náo nhiệt, là sự bon chen, trả giá, là những âm thanh hỗn độn của tiếng người, tiếng vật,… thì cái thế giới bên trong, cái thế giới chỉ cách với thế giới bên ngoài ấy một cánh cửa lại là một sự đối lập hoàn toàn.

Đó là sự yên tĩnh, đầm ấm của một gia đình bốn thế hệ, đó là tiếng cười đùa rộn rã, là sự nhiệt tình và cách sống hồn hậu của gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực.

Vợ chồng ông về sống ở khu phố này cũng hơn mười năm nay, thế nhưng không ít người biết ông là một vị Tướng, là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và là Giám đốc của một Học viện. Bởi lẽ, ông là người sống rất “chân quê” như những người bạn của ông thường nói.

Cũng chính cái sự chân quê ấy mà ông luôn được những người xung quanh và cấp trên yêu mến. Ngồi trong ngôi nhà được bài trí giản dị và thoáng mát, nhâm nhi chén nước chè xanh, vợ chồng Thiếu tướng vui vẻ kể cho tôi nghe về một thời kỳ mà những người cùng thế hệ với ông bà thường hay nói vui là “thời kỳ bo bo”.

Vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực
Vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực

Đó là thời kỳ những năm 80 của thế kỷ XX, khi ấy mặc dù ông đã giữ chức phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng PK; rồi Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Tên lửa – Ra-đa (từ 1988 là Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Phòng không) kiêm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Trường.

Thế nhưng cuộc sống gia đình ở quê lại gặp rất nhiều khó khăn, tất cả đều đổ dồn lên đôi vai nhỏ bé của người vợ. Khi ấy vợ ông là bà Đỗ Thị Túc cũng là một cán bộ của huyện Vĩnh Lạc mà nay là huyện Vĩnh Tường.

Bà không chỉ là người giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà. Trong lúc điều kiện kinh tế cả nước đang rơi vào thời kỳ khó khăn, khủng hoảng, tiền lương hàng tháng không được bao nhiêu, chỉ tính ra công điểm rồi quy ra thóc, số đó cũng chỉ đủ cho gia đình thoát đói mấy tháng. Những tháng còn lại, cả gia đình phải ăn sắn, ăn bo bo.

Nhớ về những ngày tháng gian khổ ấy, bà Túc cười vui vẻ: thời đấy ai cũng khó khăn như mình cả, nên lúc đó không thấy vất vả, không thấy mệt, chỉ biết cố gắng làm thế nào cho con cái đủ ăn, đủ mặc và có thể làm được gì đó cho xã hội là vui rồi!

Thời gian này, bà Túc vừa làm cán bộ huyện lại vừa một nách nuôi ba con nhỏ, bố chồng già yếu, lại thêm hai người em chồng đang tuổi ăn học. Tiền lương của chồng ít ỏi cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống riêng của ông, còn lại một mình bà phải lo liệu hết.

Ngày ấy, bà không chỉ là một cán bộ huyện giỏi mà còn là một “bà chủ trang trại” mát tay. Trong nhà lúc nào cũng có đủ các loài vật, vừa để ăn, vừa để bán rồi đổi lấy thóc.

Bà Túc nói: thời đấy thế mà mình cũng “giàu” ra phết đấy! xem lại cuốn sổ nợ mới thấy cũng có nhiều người hãy còn nợ mình, mà tính ra cũng hơn một trăm nghìn, mà thời ấy như thế là giá trị lắm! Nói rồi vợ chồng Thiếu tướng cười vui vẻ, đã bao năm nay tiếng cười ấy đã át đi mọi khó khăn, vất vả của gia đình ông.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông bà vẫn luôn sống lạc quan, và người có thể nói đem lại sự lạc quan ấy cho cả nhà là bà -người vợ đã gánh vác cùng ông gánh nặng của cuộc sống gia đình. Bà sống rất vô tư và tình cảm, không chỉ trong gia đình mà với cả những người xung quanh.

Trong suốt gần 30 năm công tác, bà luôn giành được tình cảm yêu mến của lãnh đạo và những người đồng nghiệp, đến nỗi khi bà muốn nghỉ hưu sớm để về lo cho các cháu mà phải viết đơn mấy lần lãnh đạo huyện mới cho nghỉ.

Hơn 40 năm làm “hậu phương” của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực, điều mà bà luôn hài lòng ở ông và luôn kính trọng ông có lẽ là cái bản tính mà cái tên của ông đã nói lên tất cả. ông là người sống rất thật thà, thẳng thắn, dù ở đâu, ở bất cứ cương vị nào ông vẫn giữ được cái phẩm chất tốt đẹp ấy.

Dù cái thật thà, thẳng thắn đó của ông nhiều lúc cũng làm cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng không vì thế mà bà trách móc hay không hài lòng mà trái lại bà rất ủng hộ. Bà nói: điều quan trọng nhất trong cuộc sống theo bà đó là sự thanh thản về tâm hồn.

Giờ đây, khi cả hai vợ chồng đã lui về cùng làm “hậu phương” cho các con, ông bà thấy cuộc sống thật thoải mái và thanh thản, vì họ đã cố gắng phấn đấu hết mình để xứng đáng là người cán bộ Đảng viên.

Được khen nhưng “sợ”

Nói về những kỷ niệm của mình, thiếu tướng Nguyễn Văn Thực cười: Trong cuộc đời của mỗi người, nhất là người lính có nhiều kỷ niệm lắm, mỗi lần được khen thưởng cũng là một kỷ niệm, đó là kỷ niệm vui nhưng cũng “sợ” lắm! cái sợ ở đây là sợ mình không làm được những việc tốt hơn sự khen thưởng ấy.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực quê ở thôn Phù Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Lạc (nay là Vĩnh Tường), tỉnh Vĩnh Phúc, sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo. Ngày 3 tháng 7 năm 1963, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới tròn 20 tuổi.

Một năm sau ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể nói đó là dấu mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người chiến sỹ. Từ đó ông đã luôn cố gắng phấn đấu hết mình. Sau hai năm vừa học vừa làm thầy giáo (khi đó ông học thêm ngoại ngữ và làm thầy giáo dạy bổ túc văn hóa môn toán cho các đồng chí của mình).

Từ 1965 đến năm 1968, ông tham gia hơn 100 trận, luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công, đi sâu nghiên cứu các thủ đoạn đánh phá, phán đoán nhanh chóng, chính xác xử trí khôn khéo, bình tĩnh, dũng cảm, góp phần bắn rơi 21 máy bay trong nhiều tình huống phức tạp khác nhau như:

Khi địch rải nhiều loại nhiễu khác nhau, thay đổi chiến thuật tập kích, hoặc cho máy bay bay ở nhiều độ cao nhằm khống chế, vô hiệu hoá lực lượng phòng không, tên lửa mặt đất… Vì thế đến năm 1970, ông đã vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau lần khen thưởng ấy ông đã cố gắng phấn đấu học tập và nghiên cứu thêm cho xứng đáng với sự tin yêu và khen thưởng của tổ chức.

Một lần nữa được khen mà ông đã phải phát biểu thẳng thắn rằng “được khen nhưng sợ lắm!” đó là năm 1995, khi đó ông là Giám đốc Học viện Phòng không. Trong một lần được vinh dự gặp Đại tướng Đoàn Khuê, ông được Đại tướng khen trường có được một “cơ ngơi khang trang”.

Lúc đó Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực là Giám đốc nên khi nghe lời khen đó ông chỉ cười và báo cáo với Đại tướng rằng trường được khen nhưng mà bản thân tôi thì sợ lắm! Đại tướng hỏi: Tại sao lại sợ? Thiếu tướng Thực nói “Khi nào rỗi Thủ trưởng cứ đến đơn vị em thì sẽ biết!”

Sau đó ít lâu, Đại tướng Đoàn Khuê đến thăm Học viện Phòng không, đến đây ông mới tận mắt được chứng kiến cái “cơ ngơi khang trang” mà ông từng được nghe nói đến trước đây.

Trường chỉ có hai dãy nhà vừa làm giảng đường, vừa làm nơi để khí tài, còn chỗ ăn ở của học viên và giáo viên thì hết sức khó khăn. Nhìn vào đó ông mới thấy hết được sự lo lắng của một vị giám đốc trẻ trước những khó khăn, thử thách.

Những năm mới về làm lãnh đạo của trường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực đã hết sức trăn trở: làm thế nào để có thể khắc phục được những khó khăn về cơ sở vật chất để rèn luyện và đào tạo được những cán bộ chỉ huy và những người thợ kỹ thuật về máy bay giỏi.

Trong suốt mười năm làm lãnh đạo của trường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực luôn ý thức rõ, cần phải hết sức nghiêm túc trong đào tạo và quản lý cả giáo viên và học sinh.

Vì thế thời kỳ ông làm lãnh đạo, số giáo viên và học sinh ở trường ông đạt loại giỏi là rất ít, nhiều lần ông bị “phê bình” là “thật thà quá”, ông chỉ cười: Có thế nào thì báo cáo thế ấy thôi.

Chính nhờ sự thẳng thắn đó của ông, mà Học viện Phòng không, Không quân đã từng bước trưởng thành, trở thành một trong những trung tâm đào tạo và huấn luyện lực lượng cán bộ chỉ huy không quân lớn nhất cả nước.

Khi đã rời khỏi những vị trí quan trọng, vợ chồng Thiếu tướng trở về với cuộc sống đời thường, có thể nói ở độ tuổi ấy mà nghỉ hưu với nhiều người thì là quá sớm nhưng với vợ chồng ông như thế cũng là đủ cho cả tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho đất nước.

Giờ đây khi đã bước sang buổi xế chiều, ông bà lui về làm hậu phương cho con cháu, để tận hưởng cuộc sống gần gũi mà đã bao năm họ phải sống cách xa nhau.

Trong ngôi nhà ấy, không lúc nào vơi đi tiếng cười nói, với họ có thể về vật chất họ không bằng ai, nhưng về tinh thần thì họ luôn “giàu có”. Với quan niệm sống hết sức giản dị: bằng lòng với những gì mình có, vợ chồng ông đã vượt qua mọi khó khăn để có được hạnh phúc như ngày hôm nay.

  • Nguyễn Thị Hải
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc