Gia đình anh Giàng Đỗ Chai, 33 tuổi, dân tộc Mông, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Vợ chồng anh chị dắt díu nhau vào Lâm Đồng hồi tháng 4 mưu sinh. Tại xã Hiệp Thành, vùng chuyên canh rau thuộc huyện Đức Trọng, Chai và Gió (vợ) đi nhổ rau, trồng hành thuê cho chủ vườn.
Ngày có việc, họ kiếm được 200.000 đồng mỗi người. Không ra ruộng thì không có tiền. Ba đứa trẻ con, nhỏ nhất 8 tháng, lớn nhất 4 tuổi gửi hết vào nhà trẻ. Tiền gửi trẻ mỗi tháng 3,5 triệu đồng, chưa tính tiền ăn, phòng trọ. Ba tháng đi làm thuê, vợ chồng để dành gửi về quê được hai lần, mỗi lần ba triệu. Khoản tiền lo thuốc thang cho người cha đau yếu, tháng nào cũng phải đi viện thăm khám.
Tuy nhiên từ tháng 6 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế sinh nhai của vợ chồng cũng tạm ngưng. Sau một tuần bàn bạc, gia đình Chai quyết định về quê. Cả nhà rời đi lúc 7h sáng ngày 24/7, hành trang mang theo gồm nắm cơm với đĩa rau luộc, treo túi quần áo lên xe máy rồi đi.
Chị Gió quấn đứa út 8 tháng tuổi trong cái chăn mỏng ôm trên tay. Đứa thứ hai ngồi giữa, con gái lớn nhất 4 tuổi ngồi phía sau ôm cứng lấy lưng bố. Gió không biết đi xe máy, nên Chai là người cầm lái suốt chặng đường. Trước hôm về, anh đã mang xe đi thay dầu, kiểm tra nhông xích, đổ đầy bình xăng.
Qua các chốt kiểm dịch, họ đều phải khai báo y tế. Dừng chân ở địa phận Đà Nẵng đêm 26/7, cả nhà được công an chốt trực tiếp nước, bánh mì và góp ủng hộ một ít tiền. Chặng đường từ Đà Nẵng ra đến Quảng Bình được cảnh sát giao thông các tỉnh dẫn đường cùng với hàng nghìn xe máy khác. Về đến Thanh Hóa, chốt trực test nhanh miễn phí cho cả gia đình; kết quả âm tính, họ được đi tiếp.
Ngày 30/7, gia đình về đến Sa Pa, được đưa về khu cách ly của huyện Bảo Thắng. Ước tính, vợ chồng đã đi được quãng đường 2.000km.