Vừa qua, Hiền Thục đã chia sẻ về quá trình thu âm ca khúc Nhật ký của mẹ, một trong những ca khúc hot nhất trong sự nghiệp của cô. Cô nói: "Ca khúc nổi tiếng nhất của tôi cho tới hiện tại là bài Nhật ký của mẹ. Bài hát phải nói là khá nặng với tôi và nhiều ca khúc.
Bình thường, một ca khúc chỉ có thời lượng từ ba tới bốn phút, năm phút đã là nhiều nhất, nhưng bài này tôi hát liên tục tới 8 phút 20 giây, quá dài. Sở dĩ hát dài như vậy vì nó là quyển nhật ký về một cuộc đời.
Khi hát nó, tôi phải nuôi cảm xúc từ đầu tới cuối. Có thể sẽ rất nhiều người hát hay bài này, nhưng cái duyên của nó lại tới với tôi. Đó là sự may mắn của người ca sĩ.
Giả sử khi anh Nguyễn Văn Chung sáng tác bài này ra mà không nghĩ tới tôi thì tôi đâu được hát nó. Khi hát, tôi cũng không nghĩ nó lại được đông đảo mọi người yêu thích đến thế.
Nói thật, với kỹ năng thầy cô dạy tôi, tôi chỉ xử lý một bài hát mới trong phòng thu 2 tiếng là nhiều nhất, còn không thì chỉ 45 phút là xong. Riêng bài hát này, tôi phải mất đến 1 ngày để xử lí xong.
Lí do vì cứ thu được 2 câu là tôi lại khóc, mà đã khóc thì lại không hát được, cứ phải lấy khăn chùi chùi. Anh Chung thấy thế cứ phải chạy ra hỏi xem tôi có sao không.
Đây không hẳn là bài hát hay nhất tôi từng hát, nhưng là trải nghiệm thật nhất của tôi trong đời. Nó cũng là kỷ lục khi tôi hát nó mỗi ngày nhưng đều khóc mỗi khi hát".
Tiếp đó, Hiền Thục còn chia sẻ về kỷ niệm được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ tranh cho mình. Cô kể:"Mọi người vẫn biết rằng tôi có một bức tranh sơn dầu do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ tặng. Thực ra, anh Sơn vẽ rất nhiều người chứ không phải vẽ mình tôi. Năm đó tôi mới 16 tuổi và đến nhà anh Trịnh Công Sơn chơi. Đến cùng với tôi còn rất nhiều nhạc sĩ nữa, chứ không phải chỉ mình tôi.
Trước bữa ăn cơm, anh Sơn bảo tôi ngồi xuống đi rồi anh ấy vẽ cho một bức. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi mặc một chiếc áo sơ mi sát nách màu tím và chiếc quần jean màu đen, rất mộc mạc, giản dị. Có lẽ vì thế mà anh Sơn thích và muốn vẽ tôi.
Tôi nhìn trên nhà của anh Sơn còn treo rất nhiều bức tranh anh ấy vẽ những phụ nữ khác, đều là phụ nữ đẹp cả. Sau khi anh Sơn vẽ xong, tôi không cầm về mà để lại ở nhà anh Sơn.
Tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ bức tranh đó và coi đó là một kỉ niệm quý giá mà không phải ai cũng có được. Trong cuộc đời một nghệ sĩ như tôi, cần có những cảm xúc như vậy để sáng tạo nghệ thuật.
Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn không biết cách làm thế nào để xem lại được bức chân dung đó vì anh Trịnh Công Sơn đã mất rồi. Chẳng lẽ tôi lại qua nhà anh Trịnh Công Sơn đòi xem bức tranh ấy".