Đối với du khách, Tây Tạng là mảnh đất thuần khiết đặc biệt. Tây Tạng ở vùng đất cao trung bình hơn 4200m so với mực nước biển và văn hóa đậm chất Phật giáo.
Đặc biệt Hồ thiêng Yamdrok còn gọi Dương hồ là một thắng cảnh nổi tiếng của Tây Tạng và người ta ngạc nhiên vì ở đây có trữ lượng cá khổng lồ mà không bao giờ bị đánh bắt, dù không có luật cấm.
Yamdrok có trữ lượng cá lớn
Hồ Yamdrok có diện tích 675km2 nằm tại vị trí đắc địa cao hơn 4440m và có cảnh sắc hoang sơ, thơ mộng. Hồ không phải lớn nhất Tây tạng nhưng được coi là hồ thiêng. Không chỉ vậy, bản thân cái tên Yamdrok đã thể hiện được phần nào sự trân trọng và thờ kính của người dân bản địa với cảnh sắc thiên nhiên.
Theo tiếng Tây Tạng, Yamdrok có nghĩa là "Hồ thiên nga". Đối với cư dân bản địa, hồ này có ý nghĩa linh thiêng vô cùng. Người dân tin rằng vẻ đẹp nên thơ của Yamdrok chính là hóa thân của những nàng tiên nữ giáng trần mang đến sức sống cho Tây Tạng.
Hồ Yamdrok đặc biệt có tới hơn 800.000 tấn cá. Cá ở hồ Yamdrok chịu ảnh hưởng điều kiện thiếu oxy và thời tiết khắc nghiệt ở khu vực cao nguyên nên chu kỳ sinh trưởng của cá trong nước hồ chậm hơn nhiều so với những nơi có độ cao thấp. Bởi vậy 800.000 tấn cá của hôm nay là kết quả của sự sinh trưởng tự nhiên trong hàng chục hàng trăm năm của hồ nước này.
Tại sao người dân không bắt cá?
Chính quyền Tây Tạng không có quy định cấm bắt cá nhưng người dân bản địa vẫn không bắt làm thức ăn. Điều đó có lẽ bắt nguồn từ văn hóa và niềm tin nơi đây.
Dân Tây Tạng coi cá linh vật thiêng. Người dân có thói quen ăn nhiều thịt, ăn sạch nhưng không bao giờ ăn cá. Giống như việc coi Yamdrok là hóa thân của những nàng tiên nữ giáng trần, thì cá ở trong các hồ tại Tây Tạng được xem như là hiện thân của thủy thần, vì vậy họ không bao giờ đánh bắt cá với bất kỳ mục đích nào bởi như thế là phạm vào thần linh. Cá được xem như linh vật thiêng liêng.
Người Tây Tạng thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên có thể sẽ hạn chế sát sinh. Họ vẫn ăn thịt nhưng thịt bò, thịt lợn thì 1 mạng bò có thể nuôi được nhiều người, còn cá thì cần giết nhiều sinh mạng hơn. Do đó họ sẽ cố gắng giết ít sinh mạng con vật nhất. Một con bò có thể giúp qua cả mùa đông nhưng nếu bắt cá thì sẽ cần nhiều mạng cá để sống qua mùa đông.
Cũng có thể do tập tục thủy táng ở Tây Tạng nên người ta sẽ không bắt cá mà để cá thành thần linh, cá để thủy táng. Dân Tây Tạng tin rằng nước chính là thứ quan trọng nhất trên thế giới sinh ra và nuôi dưỡng sự sống. Bởi thế họ chọn cách thủy táng khi chết. Họ cho rằng thủy táng là để được trở về với mẹ thiên nhiên trong dòng nước xanh sẽ là điểm đến bình yên nhất. Cho tới ngày nay, thủy táng vẫn là một cách được người Tây Tạng sử dụng tương đối nhiều. Thông thường, khi thủy táng thì xác chết sẽ được quấn trong một tấm vải trắng rồi thả trôi sông cho cá ăn. Bởi vì thủy táng nên người ta tin rằng linh hồn tổ tiên nhập vào cá nên không ai ăn cá.
Thủy táng không phải diễn ra ở tất cả mọi nơi trên Tây Tạng, và Yamdrok không phải là một nơi thường xuyên diễn ra thủy táng nhưng có lẽ do nước chảy và mối quan hệ thiêng liêng giữa nước và cá cùng các vị thần và người chết từ lâu đã trở thành một cái rễ trong tư tưởng của người dân nơi đây.
Còn theo góc độ khoa học thì việc ăn cá ở Yamdrok có thể không an toàn. Do hồ Yamdrok có tính kiềm, nhiệt độ nước quanh năm thấp, cá trong hồ nước lạnh sinh trưởng chậm, các loại thực vật phù du trong nước cũng khó quang hợp, thiếu chất dinh dưỡng. Vì thế cá có thể đã hấp thu mọi thứ độ hại trong hồ, tích lũy nhiều chất độc nên không tốt nếu ăn chúng.
Hiện nay với nhiều người thì Tây Tạng vẫn là một mảnh đất nhiều huyền bí. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ thơ mộng, đẹp mà chính những điều huyền bí khiến du khách càng muốn tới Tây Tạng. Nhiều điều kiêng kỵ ở đây đã tạo nên ý nghĩa văn hóa cổ xưa và bí ẩn, phản ánh sự kính sợ của người dân đối với các vị thần, tín ngưỡng và truyền thống.