1. Im lặng là một sự lựa chọn
Như ngày xưa vẫn nói: “Họa từ miệng mà ra”, có những lời chỉ thích hợp để trong lòng, nhìn rõ một người thì cũng không cần vạch trần, chừa cho người khác đường lui cũng chính là để lại cho bản thân một con đường. Trong lòng đã hiểu thì cũng không cần nói ra ngoài, để không làm tổn thương mình hay xúc phạm người khác.
Tục ngữ có câu: “Thủy thâm tắc lưu hoãn, ngữ trì tắc nhân quý”, nghĩa là “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn chậm rãi”. Câu nói này hàm chứa trí tuệ và nội hàm tu luyện sâu sắc. Chỉ khi người ta biết kiềm chế tính khí của mình, biết nói chuyện cẩn thận thì mới có thể giữ được phúc lành trong cuộc sống.
Hãy ngồi im lặng và suy nghĩ về những việc của chính mình, đừng nên bàn tán về sai lầm của người khác, bạn nên giữ gìn đức hạnh trong lời nói của mình. Năng lượng của mỗi chúng ta đều có hạn, thay vì chìm đắm trong phàn nàn, tốt hơn hết hãy tập trung làm tốt việc của mình.
Im lặng là một loại tu dưỡng cao minh, nên nói gì và không nên nói gì, đó là sự lựa chọn của người thông minh.
2. Im lặng là một cách sống thông minh
Trạng thái tốt nhất là chuyện không hiểu thì đừng nói; một khi đã hiểu thì nên nói ít.
Chúng ta thường nhận xét về một người có trí tuệ cảm xúc cao là biết cách nói chuyện, thực chất là vì họ biết nói lời đúng lúc, với một tâm thái rộng lượng họ không muốn làm người khác khó xử.
Bởi vậy biết im lặng đúng lúc là một cách sống tỉnh táo, nếu không thể đảm bảo mỗi lời mình nói đều đẹp đẽ thì thà im lặng còn hơn nói nhiều.
“Nước sâu thì chảy chậm, người có tri thức cũng tĩnh lặng”. Nhiều khi, nói là thông minh, nhưng im lặng còn thông minh hơn, người càng im lặng thì lời nói càng có giá trị, và đó là một trạng thái khiêm tốn sau khi đã nhìn thấu mọi việc ở thế gian.
Nói nhiều sẽ hay mắc sai lầm, thường thì những người hay la hét ầm ĩ, khoe khoang khắp nơi đều không có tài năng thực sự, họ không biết đánh giá thực lực của bản thân, khiến bản thân trở nên kém cỏi và gây ra những rắc rối không đáng có cho bản thân.
3. Im lặng là không nói những điều vô nghĩa
Người thông minh sẽ thận trọng trong lời nói, họ sẽ quan tâm đến cảm xúc của người khác, khi gặp việc khó khăn họ cũng sẽ giữ một tâm thái tường hòa và bình tĩnh. Giống như trên mặt nước, gió có thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng dòng nước sâu ở dưới đáy vẫn luôn duy trì tốc độ chảy chậm rãi và thong dong.
Bởi vậy, chuyện cấp bách thì nên nói chậm, chuyện lớn thì nói chi tiết, chuyện nhỏ thì nói ngắn gọn, chuyện không chắc chắn thì nói cẩn thận, chuyện chưa xảy ra thì không nói, còn chuyện không làm được thì không nói trước.
Cuộc sống chính là một sự thực hành tuyệt vời. Điều bạn nên tu dưỡng là một trái tim sâu sắc và vẻ đẹp của sự im lặng. Đừng nói những lời tổn thương người khác, đó cũng là giúp bạn tích phúc đức mỗi ngày.
4. Sự im lặng của bạn có sức mạnh riêng của nó
Khi bạn bắt đầu im lặng nghĩa là bạn đang bắt đầu trưởng thành. Khi bạn trở nên im lặng, điều đó cũng có nghĩa là trình độ của bạn đang ngày một cao hơn.
Có những lời nói thích hợp để lưu giữ trên môi, có những điều thích hợp để chôn trong lòng. Im lặng không phải là hèn nhát, mà là một loại trưởng thành. Người im lặng thì sáng sủa nhưng không chói lóa giữa đám đông, mềm mại nhưng lại rất mạnh mẽ.
Một người có tu dưỡng, họ sẽ có thể đối mặt với khó khăn một cách bình tĩnh và ôn hòa, khi đối mặt với sự phức tạp của thế giới bên ngoài, họ sẽ không tranh cãi, không nói quá nhiều hay can dự mà họ sẽ dùng sự im lặng để tránh những phiền phức không đáng có.
Chỉ có người có thể kiểm soát tốt được lời nói của mình mới có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình. khi đối mặt với tin đồn, họ có thể mỉm cười bình tĩnh, khi đối mặt với những âm mưu, họ có thể đối phó với tâm hồn rộng mở và bao dung.