Liên quan vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị tố lừa đảo chiếm đoạt của đại gia C.T.M số tiền 16,5 tỷ đồng, theo nội dung xét hỏi và trả lời tại phiên tòa ngày 21/9, Nguyễn Đức Thùy Dung, bạn của Trương Hồ Phương Nga có nói về bản “hợp đồng tình ái” được lưu giữ trên email giữa Phương Nga và đại gia C.T.M (Dung khai từng được Nga cho xem bản hợp đồng này). Bản thân Phương Nga cũng thừa nhận có quan hệ tình cảm với đại gia C.T.M từ năm 2012.
Đặc biệt, trong thời gian quen nhau, Nga biết ông M đã có gia đình, vì muốn ổn định cuộc sống nên Nga đặt ra số tiền 16,5 tỷ đồng nếu đại gia M muốn quan hệ tình cảm với Nga.
Điều khoản của "hợp đồng tình cảm" quy định 7 năm bắt đầu từ thời gian ký hợp đồng (năm 2012). "Nếu trong thời gian đó tôi phản bội ông M. thì sẽ phải trả lại toàn bộ số tiền theo hợp đồng", bị cáo Nga nói.
Theo bị cáo Nga khai tại tòa, "hợp đồng tình cảm" này cũng được bị cáo Dung (bạn Nga) xem qua. Bị cáo Dung khai với tòa cũng đã đọc được "hợp đồng tình ái", nhưng tên hợp đồng lại là "hợp đồng tình dục".
Liên quan đến bản "hợp đồng tình ái",luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP. HCM, người tham gia bào chữa cho bị cáo Nga) cho biết, tình tiết mới này là một trong những căn cứ quan trọng để HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
"Thỏa thuận này có nội dung trái pháp luật và đạo đức xã hội. Bởi một bên đã có vợ, mà vẫn thỏa thuận quan hệ "tình cảm" như vợ chồng với người khác", luật sư Hưng nói.
Theo vị luật sư, hành vi thỏa thuận này có dấu hiệu của Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại điều 147 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Hưng còn nhận định thêm, thông quan nội dung thỏa thuận mà Hoa hậu Phương Nga công bố tại tòa thì đó là một sự thỏa thuận về tình cảm trên tinh thần tự nguyện. Mặc dù chưa biết có "hợp đồng tình ái" thật hay không nhưng đây cũng là cơ sở giúp các cơ quan điều tra xác minh, làm rõ những tình tiết còn "ẩn khuất" trong vụ án.
"Có thể nói đây là nội dung quan trọng và cũng là điều khiến Hoa hậu Phương Nga sử dụng "quyền im lặng" trong suốt quá trình điều tra. Với những gì diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, Hoa hậu Phương Nga sớm được minh oan về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà VKS đã cáo buộc", luật sư Hưng đánh giá.
Về chế tài xử lý hành vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định của luật pháp Việt Nam thì luật sư Hưng cho rằng đây mới chỉ là dấu hiệu dựa trên lời khai của bị cáo Nga, vì thế, cần phải làm rõ bản hợp đồng này có thật hay không, vì điều này rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ vụ án.
Khôi phục email để xác thực bằng chứng về "hợp đồng tính ái"
Liên quan đến sự việc hàng loạt hình ảnh chụp lại email được cho là cuộc trao đổi về "hợp đồng tình ái" giữa hoa hậu Phương Nga và vị đại gia, luật sư Hưng cho hay từ khi nhận lời mời bào chữa cho bị cáo Nga, ông chưa từng thấy hình ảnh, nội dung email như lan truyền trên mạng.
Một trong những hình ảnh về email được cho là của đại gia gửi đến hoa hậu Phương Nga gây xôn xao.Luật sư Hưng nói: "Trong quá trình tiếp xúc với Nga và xem qua hồ sơ vụ án, tôi cũng có nghe nói về nội dung email trao đổi và hợp đồng tình ái giữa hoa hậu với ông M. Nhưng bản thân tôi không chắc chắn về nội dung email có thật hay không. Hiện tại tôi và các cộng sự đang tìm cách khôi phục email này để xác thực những bằng chứng nhằm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình".
Tại sao Phương Nga lại sử dụng quyền "im lặng" trong quá trình lấy cung
Giới luật sư nhận định, phiên toà xét xử Hoa hậu Phương Nga vừa qua cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án bị cáo Phương Nga đã vận dụng rất tốt quyền của mình trong điều tra, truy tố. Ở đây Phương Nga chỉ trả lời công khai tại phiên toà để dư luận giám sát, vì có thể vụ án có nhiều điều khuất tất mà bị cáo không thể khai báo trong quá trình lấy cung.
Trao đổi với pv Trí Thức Trẻ, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Đây là quyền của bị cáo được vận dụng rất tốt, đặc biệt trong thời gian lùi hiệu lực Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015. Hiến pháp năm 2013 quy định"Quyền im lặng" gắn liền với quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người bào chữa đã được quy định tại khoản 4, điều 31 Hiến pháp năm 2013. Đây là quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân, trở thành một nguyên tắc tố tụng căn bản phải được tôn trọng và triệt để thực hiện".
Tuy nhiên, theo luật sư Quynh, đặc điểm nói trên của mô hình TTHS Việt Nam cũng cho thấy nguyên tắc "bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội" và "không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội" đã được ghi nhận (điều 10 và 72 Bộ luật TTHS).
Tại khoản 4, điều 209, Bộ luật TTHS cũng quy định tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi, nếu khi được hỏi bị cáo không trả lời thì HĐXX chuyển sang xét hỏi người khác.
Luật sư Quynh cũng cho hay, trên thực tế, quyền im lặng chỉ có giá trị với người bị oan, còn nếu hành vi phạm tội thực sự thì vẫn bị kết tội bình thường. "Nếu thực hiện tốt quyền này không những không cản trở mà nó còn giúp cơ quan điều tra không phải mang tiếng bị nghi ngờ về chuyện bức cung, nhục hình. Như vậy, quyền im lặng đã mang lại lợi ích kép cho cả hai phía chứ không riêng gì bị can, bị cáo", luật sư Quynh nói.