Việc sở hữu xe cũ cũng có cái lợi và cái không lợi. Cái lợi trước mắt là xe chỉ chịu phí sang tên trước bạ rất nhỏ, chỉ 2%, thỏa sức mặc cả với chủ xe trong khi xe mới bán theo giá cố định, tỉ lệ mất giá không nhiều, được hưởng thêm những trang bị cho xe như la-zăng, âm thanh, nội thất, film cách nhiệt, bảo hiểm hai chiều... tất cả những thứ này hầu như không được cộng dồn vào giá xe mà thường là biếu không. Thường thì bạn không phải chịu thuế GTGT trừ khi chiếc xe được bán từ các trung tâm xe cũ hoặc xe công ty.
Tuy nhiên, cái bất lợi của việc mua xe cũ thì cũng không ít. Sau đây là những lý do khiến bạn có thể nói "không" với xe cũ.
Nguồn gốc xuất xứ xe
Điều lo lắng lớn nhất khi sở hữu xe ôtô cũ là không biết được tiểu sử trước đó của xe, ngay cả khi vào hãng kiểm tra nhiều khi cũng vẫn lầm. Vì thế ở khâu này vẫn chiếm một rủi ro nhất định. Không ít trường hợp mua phải xế hộp "gian" mà không biết, nhất là khi chiếc xe đã được sang tên nhiều lần.
Không phải ai cũng có thể lường trước hết tất cả những gì liên quan đến món đồ trị giá hàng đống tiền này (Ảnh minh họa). |
Thông thường, người mua xe đã qua sử dụng sẽ phải bỏ thêm những khoản chi phí (thuế trước bạ, tính theo giá trị xe cũ do cơ quan thuế quy định) để chuyển quyền sở hữu hợp pháp, và số tiền có thể sẽ chênh lệch rất nhiều nếu giấy đăng ký xe ở các địa phương khác nhau.
Thời gian bảo hành
Thời gian bảo hành của chiếc xế hộp cũ có thể chỉ còn rất ít hoặc đã hết. Vì vậy, nếu vẫn quyết định mua nó thì bạn phải tốn tiền vào khoản bảo trì hay phải mua thêm thời gian bảo hành nếu như hãng xe này có dịch vụ đó.
Xuất hiện nhiều "bệnh vặt"
Vì sao người dùng trước quyết định bán đi chiếc xế hộp của mình? Đổi xe mới, không có nhu cầu sử dụng, hay vì có bản thân nó có nhiều "bệnh"? Không phải bất cứ lúc nào bạn cũng biết được lý do thực sự khi "thanh lý" chiếc xế hộp của chủ cũ.
Không ít trường hợp khi mua xe được cam kết chưa từng tai nạn, ngập nước, nhưng sau một thời gian sử dụng máy móc bỗng kêu như xe công nông, sơn bong tróc từng mảng, đưa vào hãng mới biết xe từng bị tai nạn.
Tuy nhiên, khi chấp nhận mua một chiếc xe ôtô cũ đồng nghĩa với việc bạn phải lường trước được những rủi ro mà nó mang lại là xe sẽ xuất hiện những bệnh lặt vặt, tốn nhiên liệu hơn, thậm chí là mua phụ tùng sẽ khó hơn nếu như model xe đó không thông dụng nhiều trên thị trường.
Độ an toàn không cao
Việc “mông” lại một chiếc xe cũ dễ như trở bàn tay. Công đoạn đầu tiên, mỗi khi mua được xe cũ, các "tay buôn" thường mang chúng đi “dọn” lại nội, ngoại thất bằng hóa chất để xe bắt mắt hơn; thay phụ tùng không chính hãng để hạ giá thành, đương nhiên ảnh hưởng chất lượng và độ ổn định của xe... Ngoài ra, với công nghệ sơn hiện đại, xe sau khi được sơn lại rất khó phát hiện những vết va đập.
Nếu vẫn quyết tâm mua xe hơi, bạn nên kiểm tra thật kỹ. |
Ngay cả những xe bị lật, đội thợ lành nghề, gò hàn, đắp, đánh bóng phục hồi như mới, kể cả khi xe va chạm với tàu hoả “nát bấy”. Nếu khung xe đã quá nát, thợ sẽ cắt riêng phần có số khung rồi hàn vào khung mới, sau đó sơn bả lại cẩn thận.
Tuy nhiên, không phải cứ "tân trang" lại thì xe cũ sẽ có độ an toàn cao. Bạn sẽ không thể biết khi nào nó "giở chứng". Xe càng cũ, độ hỏng hóc càng xảy ra thường xuyên. Và nguy cơ xảy ra tai nạn cũng cao hơn.
Tốn nhiều thời gian
Mua một chiếc xe cũ bạn sẽ phải mất nhiều thời gian để xem, kiếm một chiếc xe đúng ý, nhiều khi phải đi xa ra tỉnh để kiếm được một chiếc thỏa mãn về các tiêu chí bạn đạt ra như: màu sơn, loại hộp số, chất liệu màu nội thất...
Nếu bạn không phải người sành sỏi trong việc tìm, chọn và kiểm tra xe cũ, thì lời khuyên tốt nhất cho bạn là nên mua xe mới, hoặc đến các Salon, gara uy tín vì họ sẵn sàng cam kết trả lại nguyên tiền cho khách nếu mua phải xe đã “làm lại".
Dưới 300 triệu nên mua xế hộp loại gì? Những mẫu xe hơi giá dưới 300 triệu dưới đây có thể là lựa chọn không tồi cho khách hàng muốn sở hữu xế hộp tầm trung. |