Không ăn ngọt vẫn bị tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh mà nhiều người mắc phải. Nếu không phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đa số chúng ta cho rằng phải ăn nhiều đồ ngọt mới bị tiểu đường. Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
Một trường hợp ở Trung Quốc, người phụ nữ 43 tuổi cảm thấy tinh thần ngày càng sa sút, luôn chóng mặt, dễ mệt mỏi, người gầy yếu, có tháng sút cân.
Mọi người khuyên cô nên đi khám nhưng vì chủ quan nên cô mãi không đi.
Trong một lần về nhà, thấy chồng chơi mạt chược thua khá nhiều tiền, cô tức giận, quát mắng chồng. Đang cãi vã thì cô ngất xỉu và được người thân đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán cô bị tiểu đường nặng.
Người chồng rất nghi ngờ và nói với bác sĩ rằng vợ mình không ăn đồ ngọt, làm sao lại bị tiểu đường.
Sau khi tìm hiểu thói quen sinh hoạt của bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ ra một nguyên nhân gây bệnh mà nhiều người không biết.
Chả là chồng của bệnh nhân lúc nhàn rỗi chỉ thích chơi mạt chược. Mà anh này lúc nào cũng thua nên kinh tế gia đình ngày một khó khăn. Thậm chí khoản tiết kiệm mà người vợ để dành chồng cũng lấy ra chơi hết nên hai người thường xuyên sảy ra cãi vã sau mỗi bữa ăn.
Bác sĩ cho biết, tức giận không chỉ làm tổn hại đến gan mà còn có thể gây ra bệnh tiểu đường.
8 thói quen xấu gây bệnh tiểu đường
Stress, thừa cân
Tâm trạng xấu, phiền muộn, chán nản, lo lắng trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Người vừa bị stress vừa thừa cân nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn. Chất enpinephrine (sinh ra khi thần kinh bị kích động, stress) sẽ đánh tan mỡ thừa trong cơ thể, dẫn tới việc dư thừa axit béo. Khi cơ thể hoạt động, axit béo này sẽ tiêu hao. Như vậy, glucose trong cơ thể sẽ bị dồn lại, không được đốt cháy. Glucose không bị đốt cháy dẫn đến lượng đường trong máu tăng, lâu dần thành bệnh tiểu đường.
Ngủ ít, thức khuya
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe. Ngủ đủ giấc, đúng giờ giúp kiểm soát việc ăn uống và điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn. Ngoài ra, thiếu ngủ sẽ làm suy yếu khả năng đáp ứng của các tế bào mỡ với insulin.
Ngủ không đủ giấc sẽ khiến quá trình chuyển hóa chất béo của cơ thể bị xáo trộn. Bên cạnh đó, ngủ muộn thường khiến bạn ăn đêm, gây tăng cân, béo phì.
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Bỏ bữa sáng sẽ làm tăng những phản ứng phá hủy lượng insulin và khả năng kiểm soát đường huyết. Để kiểm soát đường huyết và giảm cân, bạn nên ăn sáng mỗi ngày.
Ăn ít rau
Rau chứa nhiều chất xơ giúp bạn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, làm việc hiệu quả. Ngoài ra, ăn rau mỗi ngày giúp làm chậm sự hấp thụ đường vào máu và giảm sự sản sinh insulin của tuyến tụy.
Ăn nhiều muối và thịt đỏ
Tiêu thụ quá nhiều natri (ăn nhiều muối) sẽ làm cơ thể tích nước, gây tăng huyết áp. Khi đó, chúng gây áp lực lên thành động mạch và làm tăng nguy cơ vỡ hoặc tắc nghẽn mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ lưu ý rằng huyết áp cao có liên quan đến nguy cơ gia tăng mắc bệnh tiểu đường.
Trong khi đó, ăn nhiều thịt đỏ cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các loại thịt đỏ thường có hàm lượng chất béo bão hòa cao, làm gia tăng sự kháng insulin ở người bị tiểu đường.
Ăn khuya
Ăn khuya có thể mang lại nhiều tác hại đối với sức khỏe. Thói quen này làm gia tăng đường huyết, gián đoạn bài tiết insulin và làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Uống rượu, hút thuốc lá
Uống nhiều rượu sẽ làm làm biến động mạnh mẽ lượng đường trong máu. Ngoài carbohydrate, cả bia và rượu đều có chứa calo, làm việc giảm cân trở nên khó khăn và khiến con người dễ mắc hội chứng chuyển hóa.
Trong khi đó hút thuốc làm giảm lưu lượng máu tới các cơ và tăng mức độ căng thẳng, từ đó tăng nguy cơ kháng insulin. Nghiên cứu cho thấy, nicotin trong thuốc lá có thể làm tăng nồng độ hemoglobin A1C trong máu. Hemoglobin A1C là một chỉ số xét nghiệm máu giúp nhận biết mức đường huyết trung bình trong khoảng 2-3 tháng. Nếu chỉ số này cao nghĩa là lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt.