Thoát chết trong gang tấc lúc sinh nở nhưng đã 10 ngày trôi qua chị Tính (35 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn chưa được gặp con, vì em bé được chuyển sang viện nhi để chăm sóc. Nhắc đến con, nước mắt chị lưng tròng: “Giờ chỉ mong sao cháu khỏe mạnh, bình an và mong mình sớm khỏe lại để được gặp con thôi. 10 ngày rồi, nghĩ đến con mà xót ruột lắm…”
Từ cõi chết trở về
Nhắc đến bệnh nhân Tính (đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), hầu hết các bác sĩ ở ca trực hôm đó đều nói rằng chị giống như từ cõi chết trở về vậy. Kể về tình trạng của chị Tính khi nhập viện, bác sĩ Nguyễn Xuân Hải cho biết: “Lúc đó tôi vừa khám cho sản phụ xong và đã kí giấy mổ. Vì sản phụ có tiền sử đẻ mổ rồi nên tất nhiên lần này sẽ phải mổ, tuy nhiên tình hình lúc đó chưa phải mổ ngay lập tức. Thế nhưng ngay sau đó bệnh nhân bị tím tái và ngất xỉu, tim ngừng đập nên phải lập tức ép tim. Lúc ấy mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tim thai chỉ khoảng 90, thai suy và không có dấu hiệu nuôi dưỡng. Khi tim bệnh nhân đập trở lại thì vẫn chưa bắt được mạch quay, rất may đã bắt được mạch bẹn và ngay sau đó thì bệnh nhân được chuyển sang phòng mổ."
Cũng theo bác sĩ Hải, quá trình mổ cho bệnh nhân Tính thực sự vô cùng khó khăn vì bệnh nhân bị tắc mạch ối gây rối loạn đông máu nặng, đông máu rải rác trong lòng mạch. Tất cả các đường kim mũi chỉ, những nốt rạch… đều không cầm được máu.
"Phải mất gần 3 giờ đồng hồ ca mổ mới kết thúc. Đó thực sự là may mắn, vì cho đến bây giờ tắc mạch ối vẫn là thách thức đối với bác sĩ sản phụ khoa. Cứu được một ca tắc mạch ối là rất hiếm, bởi nó xảy ra rất đột ngột và bất ngờ…”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Nhớ lại tình trạng lúc vào viện của mình, chị Tính kể, khi ấy chị mới bị đau bụng chừng hơn 10 phút. Được bác sĩ khám và chuẩn bị đưa vào phòng mổ thì chị đột ngột thấy đau nhói rồi không biết gì nữa. Lúc tỉnh lại chị mới biết tình hình của mình nghiêm trọng như vậy. “Cũng may ở đây các bác sĩ có chuyên môn cao, lại nhiệt tình, tận tâm với bệnh nhân. Nếu không chắc mình đã không qua khỏi…” – Chị Tính cho biết.
Sản phụ Tính đã sinh nở 10 ngày nhưng vẫn chưa được gặp mặt con.
Truyền 7 lít máu để cứu sống hai mẹ con
Hiện tại sức khỏe của chị Tính đã ổn định hơn, tuy còn khá mệt mỏi sau ca phẫu thuật đầy nguy kịch. Bác sĩ cho biết bệnh nhân đã phải truyền tới 7 lít máu mới giữ được tính mạng. Tuy nhiên, em bé sinh ra gặp một số vấn đề về sức khỏe nên đã được chuyển sang viện Nhi để điều trị. Và 10 ngày trôi qua rồi chị vẫn chưa được gặp con.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hải (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)
Nhắc đến cháu bé, những giọt nước mắt cứ rơi không ngừng trên khuôn mặt đầy mệt mỏi của chị. Chị bảo chỉ mong sao sớm khỏe để được gặp con một chút thôi. Bao nhiêu ngày chờ đợi, giờ con ra đời thì mẹ con lại mỗi người một nơi. Hiện tại chỉ có mỗi mình chồng chị chăm sóc cả hai mẹ con. Anh phải tất bật đi lại giữa hai nơi, hết sang viện Phụ sản với vợ rồi lại cuống cuồng về viện Nhi để nghe bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe của con. Chính anh cũng chưa được nhìn mặt con lần nào vì cháu bé đang phải điều trị cách li. “Cái giây phút hạnh phúc nhất là được ôm lấy con vào lòng, thế mà mình thậm chí còn chẳng nghe được tiếng nó khóc nữa. Giờ chỉ mong sao con sẽ sớm khỏe mạnh để về với mẹ thôi, chứ biết con đang ốm yếu mà mẹ phải nằm một chỗ thế này xót ruột lắm…” – Chị Tính lại òa khóc.
Dù đã qua cơn nguy kịch, song với vợ chồng chị Tính còn lại cả một nỗi âu lo. Chị bảo hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, nên giờ không dám nghĩ là mọi khoản chi phí từ khi nhập viện đến giờ hết bao nhiêu nữa. Hiện tại 2 con lớn của chị ở nhà phải tự chăm sóc nhau. Chồng thì một mình lo cho hai mẹ con ở viện. Bản thân chị cơ thể còn rất yếu, mệt mỏi nhưng cũng luôn phải nằm một mình tại phòng bệnh và phải tự lo chăm sóc bản thân vì chồng thường xuyên phải ở viện Nhi với con.
May mắn là tình hình sức khỏe của chị đang dần ổn định hơn. Chị Tính đang đếm từng ngày để được ra viện và gặp lại con.
Tắc mạch ối Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Một khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, có thể do sự chênh lệch áp lực làm cho nước ối đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám (nếu đã bong rau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương. Tắc mạch ối xảy ra khi nào? Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, truyền buồng ối, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau mổ lấy thai. Một số lý do hay gặp như: rau cài răng lược, vỡ tử cung, sót rau. Thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau tùy trường hợp, 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ. Có 3 hoàn cảnh làm cho nước ối đi vào tuần hoàn của người mẹ: Vỡ ối, vỡ tĩnh mạch tử cung hay tĩnh mạch cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch. Tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối Khi có đồng thời 4 tiêu chuẩn sau: Tụt huyết áp đột ngột hay ngừng tim; Thiếu ôxy cấp tính; Bệnh lý đông máu hay chảu máu nặng mà không có các lý giải khác; Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có lý giải nào khác cho các dấu hiệu này. Ngoài ra, thực hiện các xét nghiệm: xét nghiệm khí trong máu; công thức máu; đông máu; Xquang phổi: thường không tìm thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể quan sát thấy dấu hiệu phù phổi; điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và song T thay đổi. Theo Bác sĩ Nguyễn Kim Dung (Sức khỏe & Đời sống) |