Vào mùa hè, thời tiết nóng nực, rất nhiều người thích ăn những món thanh mát như canh bầu, canh cua mùng tơi... trong những món ăn ấy không thể thiếu vài miếng cà muối. Cà pháo muối có nhiều dạng, có thể là dạng muối xổi, muối nén… đem lại hương vị khó quên cho những bữa cơm mùa hè.
Cà pháo nói riêng và các loại cà trong họ cà nói chung được cho là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng. Theo Đông y, cà pháo vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, chỉ thống, nhuận tràng, lợi tiểu, trị thũng thấp độc, trừ hòn cục trong bụng, ho lao.
Tuy có tác dụng chữa một số bệnh khá tốt nhưng trong cà cũng chứa một lượng độc tố gây hại cho sức khỏe. Nếu bạn ăn không đúng cách sẽ khiến bạn gặp họa.
Có thể bị ngộ độc
Dù nhiều tác dụng cho sức khỏe nhưng trong thân, lá, hoa và quả cà pháo có chứa một ít chất độc. Loài cà nào có vị đắng nhiều tức là chất độc càng cao. Chất độc trong cà thường được biết tới là các alkaloids. Cà pháo còn có một lượng sitosterol, tuy không đáng lưu tâm nhưng lại có solanin độc. Quả cà chưa chín có lượng solanin cao hơn nhiều so với quả chín.
Trong cuộc sống, quả cả thường được dùng để nấu, muối, luộc, xào, chiên… Quả cà cắt miếng ăn sống như rau, chấm mắm tôm hay mắm ruốc. Quả cà giòn tan, nhai sồn sột kèm với mắm mặn rất khoái khẩu nhưng cần cẩn thận, ăn nhiều có thể bị nhức mỏi do solanin độc.
Ở mức độ nhỏ Solanine rất độc có thể gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Khi đó bạn sẽ có cảm giác đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, sốt, bệnh vàng da, giãn đồng tử và giảm thân nhiệt, ảo giác, mất cảm giác, tình trạng tê liệt.
Nguy cơ gây ung thư
Ngoài những độc dược có sẵn trong cà thì cách chế biến, sử dụng dụng cụ để muối cà cũng là một tác nhân gây nên những căn bệnh ung thư gan và ung thư dạ dày. Tuy cà có chứa chất Nightshade soda - chất chống lại ung thư. Nhưng quá trình chế biến không đúng cách đã khiến nó mất đi, thậm chí biến đổi thành chất gây hại lớn.
Thông thường, chúng ta có thói quen muối cà vào bình nhựa. Những loại nhựa không đảm bảo chất lượng khiến quá trình lên men của cà, làm sản sinh axit, chúng sẽ tác động ăn mòn và ngấm chất độc từ nhựa vào cà.
Chất độc này có tác động trực tiếp đến dạ dày, chất độc được đi qua gan và gây tổn thương cho gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan và dạ dày. Theo một số điều tra ở những bệnh nhân mắc ung thư gan và ung thư dạ dày thì có một lượng không nhỏ những người thường xuyên ăn dưa cà muối.
Lưu ý khi ăn cà
- Không nên ăn cà muối xổi. Các chuyên gia khuyến cáo, việc ăn cà muối kiểu này chưa đảm bảo cà được lên men, cà thậm chí còn sống nguyên nên nguy cơ bị ngộ độc do nhiễm solanin là điều khó tránh.
- Không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ, người già, người ốm mệt, phụ nữ mang thai, sau sinh, người mới ốm dậy… càng không nên ăn cà.
- Khi dưa cà đã bị nổi váng hoặc mốc đen thì chúng có thể gây ngộ độc cần bỏ đi
- Phụ nữ sau khi sinh nếu ăn nhiều cà pháo muối sẽ gây bất lợi cho việc tạo sữa. Cả mẹ lẫn con có thể bị ho, khí huyết không thông, có thể gây nhức mỏi.