Khúc du ca bất tận về cuộc tình thủy chung

06:10, Thứ ba 19/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Với ông, mỗi ngày còn được sống là một ngày được cất lên những âm thanh say đắm về cuộc đời và tình yêu. Âm nhạc cũng như chính cuộc đời mình, với Tạ Trí Hải đều là những khúc du ca bất tận.

Những người yêu Hà Nội bấy lâu vẫn thường quen với hình ảnh một ông già tóc bạc, chiều chiều vẫn say sưa với cây vĩ cầm bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Người ta gọi ông là nghệ sĩ đường phố, ông chỉ cười. Với ông, mỗi ngày còn được sống là một ngày được cất lên những âm thanh say đắm về cuộc đời và tình yêu. Âm nhạc cũng như chính cuộc đời mình, với Tạ Trí Hải đều là những khúc du ca bất tận về một cuộc tình thủy chung và son sắt.
[links()]
Sống say mê những tháng năm đẹp đẽ và hào hùng nhất của tuổi trẻ

Tôi đã vài lần gặp ông trong một số dịp có cơ duyên, lúc thì ở buổi trình diễn Cây Đời của nghệ sĩ Đào Anh Khánh, lúc thì trong chương trình kỉ niệm Kí ức cầu Long Biên, nhiều khi trong cuộc thả bộ quanh phố, giữa những dòng người đang thong thả quanh hồ,… nhưng chưa mấy khi tôi tranh thủ được vài phút trò chuyện riêng với người nghệ sĩ này. Lúc nào xung quanh ông cũng có những người bạn trẻ quay quần.

Có người đề nghị thì ông diễn, không có người thì ông lại đàn cho chính mình nghe. Ông yêu Hà Nội, yêu những con phố, yêu từng ngõ hẻm và luôn tràn đầy kỉ niệm với những mái nhà mái ngói nghiêng che, những âm thanh trong trẻo của thành phố.

Nhìn lại quãng đời ngót nghét tám chục năm của mình, vui lắm, buồn nhiều mà cô đơn cũng không đếm hết được, ông tự ví mình như một dòng sông có thượng nguồn ở đất bắc mà hạ lưu để đổ ra biển lớn thì lại là trời nam. Nỗi nhớ thương đất và người bao gồm cả mối tình ông không sao quên được.

Với Nghệ sĩ Tạ Trí Hải đều là những khúc du ca bất tận về một cuộc tình thủy chung và son sắt.
Âm nhạc cũng như chính cuộc đời mình, với Tạ Trí Hải đều là những khúc du ca bất tận về một cuộc tình thủy chung và son sắt.

Ông là con thứ 9 trong gia đình có tới 13 anh chị em ở phố Hàng Đường, cha là công chức nhà nước thường được gọi là ông phán, ông kí, mẹ là một người phụ nữ nội trợ buôn bán tảo tần.

Cha mẹ ông đều là những người chú trọng tới nền văn hóa tây học, nên đã cho các con đến trường tây, học tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi còn mời cả thầy dạy nhạc về tận nhà để hướng dẫn.

Ông và các anh chị em ai cũng có thể chơi được một vài loại nhạc cụ như măng-đô-lin, guitar Hawaii, violon,…trong nhà lúc nào cũng rộn tiếng đàn, tiếng hát.

Khi cách mạng bùng nổ, gia đình ông lại trở thành một trong những cơ sở cách mạng ở Hà Nội. Cha, chú, các anh trai ông đều tham gia kháng chiến và trở thành những đảng viên uy tín.

Ấn tượng lớn nhất của ông về tuổi trẻ của mình vẫn là sống vì lý tưởng. Cả một thế hệ thanh niên lúc bấy giờ lúc nào cũng tâm niệm một ước mơ cháy bỏng được cống hiến và hi sinh cho tổ quốc với lời nguyện thề:

“Đời mỗi người chỉ sống có 1 lần thôi, phải sống sao cho ra sống để khi nhắm mắt xuôi tay không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí” như lời của nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy”. Tham gia công tác đoàn hội nhiều nên bạn bè thường gọi ông với cái tên nửa đùa nửa thật là Bôn-sơ-mướp.

Có lần cả trường đi lao động ở nông trường Ninh Hải để được duyệt đi nghỉ hè ở Đồ Sơn, ngồi trên xe Romooc, ông đặc biệt ấn tượng với một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn với mái tóc tết hai bên tên Thùy Trâm. Cô bé khá nghịch ngợm, tếu táo, còn làm cả một bài thơ nho nhỏ để chọc ghẹo bạn bè.

Bài thơ đó ông không nhớ hết, chỉ có hai câu là không sao quên được: “một gia đình đầy quỷ sứ yêu tinh/ mà trong đó tôi góp phần không kém”. Buổi đốt lửa trại đêm sau một ngày lao động vất vả, tiếng đàn tiếng hát của những chàng trai cô gái Hà Nội lại vang lên.

Thời đó, ai cũng sống lãng mạn và tràn đầy lý tưởng như thế. Không chỉ có một Đặng Thùy Trâm mà phải có đến hàng trăm Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc nguyện cắt máu ăn thề để được ra chiến trường, vào nam chiến đấu.

Sôi động nhất vẫn là những ngày của Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972. Tiếng hát, tiếng đàn của thanh niên Hà Nội vẫn vang lên trong những căn hầm, những góc phố, những ụ giao thông hào. Tiếng hát át tiếng bom càng tiếp thêm sức mạnh và lý tưởng cho con người để vươn lên và chiến thắng.  

Chung thủy một mối tình duy nhất trong đời

Nghệ sĩ Tạ Trí Hải cùng những người bạn
Nghệ sĩ Tạ Trí Hải cùng những người bạn

Đam mê nhiều, ước mơ gắn bó với cây đàn violin nhưng ông lại có cơ duyên với ngành kĩ thuật. Học hết trung học, ông “chạy” hết trường này sang trường khác, từ Bách khoa sang Sư phạm rồi học cả ngành Thư viện nhưng sau cùng lại đầu quân cho một khóa học của nhà nước về Kĩ sư cơ khí.

Làm tuyên truyền viên nên khẩu hiệu nằm lòng của ông lúc bấy giờ là 3 khoan: khoan yêu để dành tâm sức cho chiến đấu, nếu trót yêu rồi thì khoan cưới, và nếu cưới rồi thì lại khoan sinh con.

Có nhiều cô gái hâm mộ tiếng đàn của chàng thanh niên Tạ Trí Hải nhưng có lẽ vì mải mê với công việc quá mà chẳng có mối tình nào đọng lại thực sự. Chỉ là những tình cảm học trò thoáng qua. Mãi cho tới khi ra trường được phân công về tổng cục cao su, Tạ Trí Hải vẫn không một mảnh tình vắt vai.

Ông bảo có lẽ một phần vì đam mê lý tưởng quá, phần khác là do mình hơi “chảnh” và khó tính trong việc lựa chọn người bạn đời cho riêng mình.

Là người nghiêm túc trong các mối quan hệ, ông không muốn để tình cảm đi quá sâu với một người con gái nào khi chưa xác định được người đó có thực sự phù hợp với mình hay không.

Giờ nghĩ lại, ông cũng có phần hơi tiếc nuối, có nhiều người phụ nữ tốt đi qua đời mình nhưng ông không biết và giữ được, cũng là do duyên số chưa tới.

Mãi đến khi ngấp nghé 40 tuổi ông mới có mối tình đầu sâu đậm. Khi ấy ông đã là chuyên viên cao cấp trong ngành. Qua các mối quan hệ quen biết, ông gặp và có tình cảm với một cô gái Hà Nội trẻ đang học trường Đại học Y.

Vẻ trong sáng ở cô khiến ông bị thu hút. Bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác, hai người đến với nhau với những tình cảm ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Những bức thư tình, những cái nắm tay cũng đủ khiến cả hai xao xuyến cả tuần. Vậy mà mối tình  đẹp ấy cũng không thành.

Đúng thời điểm 1975, giải phóng đất nước xong, cả hai miền đều đang rạo rực niềm hoan ca thắng lợi, do yêu cầu của công việc, ông được chuyển về tổng bộ ngành cao su ở Sài Gòn.

Sẵn chút tò mò, muốn đi để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của thành phố được mệnh danh là viên ngọc Viễn Đông, ông giấu gia đình để theo đoàn tiếp quản vào nam.

Tưởng chỉ vào đó một thời gian rồi sẽ trở lại đất bắc nhưng rồi ngày trở về cứ xa mãi, ông suy nghĩ rồi đi đến quyết định nói lời chia tay. Nói một cách thực tế, ông không tin được vào một tình cảm cách xa hàng ngàn cây số, cũng không thể bắt cô thôi học để theo mình vào Sài Gòn sinh sống.

Nói lời chia tay nhưng suốt cuộc đời mình, chưa bao giờ ông có thể quên cô, cũng chưa có một người phụ nữ nào bước vào cuộc đời ông sau đó. Trong những trang nhật kí của mình, ông viết nhiều về cô với những nỗi niềm nhớ thương da diết.

Đề tựa của bài hát “Nhớ tới em, gửi tới anh” do nhạc sĩ Vũ Hoàng phụ trách phần phối nhạc, ông viết lời có đoạn “Khi nhìn về dĩ vãng và hướng về tương lai xa vời vợi, trong đêm trường tĩnh mịch chỉ còn vang vọng tiếng tơ lòng.

Hòa với bầu nhiệt huyết tràn đầy để rồi đọng lại thành gọi là có chút quà nho nhỏ gửi tới bé Hòa nhớ thương, người tình lý tưởng, người yêu xa vời”.

Nhiều khi ông muốn tìm cho mình một người phụ nữ để bầu bạn cho đỡ cô quạnh giữa thành phố rộng lớn đó nhưng nghĩ mình không thể trọn vẹn với người ta nên đành thôi. Bạn bè, đồng nghiệp cứ bảo ông “lắm mối tối nằm không” cũng vì lẽ đó.

Vì độc thân nên tuy là lãnh đạo trong cơ quan, ông chỉ được phân cho căn phòng nhỏ trong khi các đồng nghiệp khác thì được phân nhà, phân đất. Ông cũng không lấy đó làm phiền lòng. Sau này, khi nghe “bé Hòa” ra nước ngoài tu nghiệp rồi lấy chồng, sinh con, ông cũng có chút chạnh lòng nhưng cũng mừng cho người thương đã có được mái ấm hạnh phúc.

Những dịp được trở về Hà Nội hiếm hoi, cũng có lúc ông mong mỏi gặp lại được bóng hình người xưa nhưng không được. Với ông, tình yêu Hà Nội là có cả tình yêu với người con gái bé nhỏ có giọng nói dịu dàng mà ông đã khắc ghi suốt mấy chục năm.

Suốt đời chỉ một mối tình duy nhất nhưng không trọn vẹn, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã có một tình yêu thiêng liêng trong cuộc đời. Ngoài công việc ra, ông chỉ còn biết bầu bạn cùng với tiếng đàn như một sự trải lòng, để vượt qua những tháng ngày cô đơn đằng đẵng.

Công tác trong ngành cao su vốn được mệnh danh là nguồn vàng trắng của đất nước, cũng có nhiều giai đoạn thăng trầm, dù là trong giai đoạn nào ông cũng vẫn luôn giữ vững lý tưởng của một người Cộng sản sống và cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Đến khi về già, ông lại xách cây đàn cũ ra công viên 30/4 như một nơi để thực hiện đam mê của mình. Ông yêu tiếng đàn nên cũng muốn đem niềm vui đến cho người khác. Ban đầu mọi người còn thấy lạ, về sau thì quyến luyến lắm, ông được mọi người đặt cho chức vụ “Chủ tịch câu lạc bộ ngàn sao”.

Rồi cũng theo những cơ duyên khác nhau, ông già Hà Nội sống trong lòng Sài Gòn ấy được báo đài biết đến, được mời về tham dự đại lễ ngàn năm Thăng Long như một hình ảnh đẹp của thủ đô.

Rồi cứ thế bị bạn bè giữ chân lại cho đến giờ, gia tài chỉ có mấy cây đàn, được bạn bè cho mượn thêm một chiếc xe đạp cũ để di chuyển khắp nơi, ông thấy mình hạnh phúc.

Sau hết thảy những sóng gió đã trải qua, đến cuối đời ông lại được quây quần bên những người bạn có thể sẻ chia, ấm áp và hơn cả là được thực hiện niềm đam mê riêng mình.

  • Đỗ Huệ
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc