SGTT dẫn lời ông Lang cho biết, dù bản thân ông chưa hài lòng, nhưng ông quyết định dừng, vì tuổi già sức yếu, ông không có thời gian để tìm thêm bằng chứng theo yêu cầu của toà. “Như vậy, sau gần chục năm theo đuổi vụ kiện, số tiền tôi được bồi thường chưa đủ so với số tiền tôi chi phí cho vụ kiện”, ông Lang nói.
Từ trái qua: Đại diện Sở GTVT TP HCM, ông Lang và người thân ông Lang tại phiên tòa 7/10 |
Trước đây, mỗi tháng quán ông lãi 6 triệu đồng, nhưng phải đóng cửa 42 tháng vì “lô cốt” án ngữ không bán được, tính ra mất thu nhập 252 triệu đồng. Chi phí sửa nhà do bị sụt, lún, nứt vách… là 60 triệu đồng. Chi phí đi lại theo đuổi vụ kiện, thuê luật sư từ Hà Nội vào TP.HCM, lãi suất ngân hàng… tổng cộng lên đến 850 triệu đồng.
“Đó là chưa kể đến sức khỏe tuổi già của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều vì vụ kiện này”, ông Lang nói
Liên quan đến vụ kiện của ông Lang, ngày 7/10, toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của ông, tuyên y án sơ thẩm buộc sở Giao thông vận tải TP.HCM thanh toán cho ông Lang 50 triệu đồng hư hại nhà cửa mà toà sơ thẩm đã tuyên; tại phiên phúc thẩm, toà không chấp nhận việc ông Lang đòi bồi thường 252 triệu đồng thiệt hại trong kinh doanh, do ông đã không đưa ra được chứng cứ bị mất thu nhập 6 triệu đồng mỗi tháng.
Năm 2012, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM cũng lập luận tương tự, chỉ yêu cầu Sở GTVT bồi thường cho ông Lang 50 triệu đồng chi phí sửa nhà bị hư hỏng.
Sự 'thất bại' của ông Lang trong vụ kiện hy hữu gây xôn xao dư luận nói trên đã khiến không ít người đã tỏ ra bi quan khi cho rằng những ai đã đang và sẽ kiện các cơ quan chức năng hay những công ty Nhà nước nếu khôn ngoan thì nên nhanh chóng bỏ ý định đi. Nhìn tấm gương tày liếp là ông Lang đấy đi, có khác nào "Con kiến mà kiện củ khoai/ Kiện đi kiện lại khoai lăn cho nát người" không?
Ấy thế mà ai đó lại xui hàng ngàn hộ dân ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã phải hoảng loạn chạy tứ tán để tránh lũ vì tin đồn thất thiệt “vỡ đập thuỷ điện” ở thượng nguồn khi thuỷ điện Đắk Mi 4 xả lũ sai quy định đã khiến nhiều người cho rằng người dân có thể kiện, đòi chủ công trình thuỷ điện Đắk Mi 4 bồi thường thiệt hại vật chất cũng như tinh thần. Nghe đã thấy... thua. Này nhé, ai tưởng "vỡ đập thủy điện", người dân chứ đâu phải ông nào bên thủy điện Đắk Mi nhỡ miệng thông báo nhầm. Thủy điện là để điều tiết nước, nước nhiều quá thì điều tiết xuống phía dưới, có gì đâu mà càm ràm thắc mắc.
Đấy là chưa kể nhé, đòi bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần xem ra cũng chẳng thuyết phục. Mưa lũ là tại ông trời, thủy điện cũng phải gồng mình lo lắng, có được yên ổn phút nào đâu. Bao nhiêu sự cố xảy ra với thủy điện rồi còn gì. Lỗi trước nhất phải tại ông trời gây bão gây mưa, ai thích đi mà lên kiện trời như ông cóc ngày xưa, xem có sơ múi được gì không rồi hẵng quay xuống thủy điện Đắk Mi nói chuyện. Thiệt hại tinh thần thì khỏi nói rồi, đành rằng thì người dân hoang mang sợ hãi, nhưng cái đó quý vị định đo kiểu gì đây? Chẳng lẽ cả làng ký tên vào đơn kiện chỉ với lý lẽ rằng tôi sợ. Chưa kiện đã biết là thua, thôi thì im lặng là vàng, hủy ngay quyết định đi kẻo hối không kịp.
Hay những vụ việc như người tiêu dùng bức xúc với giá xăng dầu trong nước không theo giá thế giới hay việc quỹ Bảo trì đường bộ dùng sai mục đích khi quyết không chi một đồng tiền nào cho những người bị tai nạn do đường xấu nhưng sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để hỗ trợ thất nghiệp.... có lẽ cũng nên từ bỏ ý định càng sớm càng tốt. Rồi thì vẫn là "con kiến mà kiện củ khoai" thôi, thời gian đó đi uống cafe như mấy vị công chức cắp ô còn bổ dưỡng cho tinh thần.