Mất tinh hoàn vì chủ quan
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn L. 30 tuổi, quê Lào Cai. Tại phòng bệnh, anh L. tâm sự khoảng một tuần nay, anh L. cảm giác đau tinh hoàn trái.
Hình ảnh bác sỹ chụp lai phần tinh hoàn bị thâm đen do xoắn thừng tinh. |
Do chủ quan không nghĩ ra chứng bệnh gì nên anh L. chưa chịu đi khám bệnh. Khi đau nhiều hơn, anh xuống Hà Nội khám. Vừa khám bác sĩ chẩn đoán anh bị xoắn tinh hoàn. Lúc này, các bác sĩ phải chuyển vào mổ cấp cứu để tránh hoại tử tinh hoàn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, các bác sĩ phải nhanh chóng tận dụng từng giây từng phút để mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Rất may, các bác sĩ đã bảo tồn được tinh hoàn cho bệnh nhân. Bệnh nhân L. sẽ nằm lại bệnh viện theo dõi thêm.
Gần đây nhất, khoa Ngoại của Bệnh viện Đại học Y cũng cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân Vũ Văn H. 14 tuổi quê ở Thái Bình. Bác sĩ Liên cho biết bố mẹ bệnh nhân H. ly hôn. Cháu bé sống với bà nội nên không ai để ý đến sức khỏe của cháu.
Khi cháu có biểu hiện sưng bìu và đau không ai biết bệnh gì, ông bà đã già cũng chủ quan. Cho đến khi cháu bé xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và ói mửa, người nhà mới đưa cháu bé lên bệnh viện.
Tại đây, các bác sĩ làm phẫu thuật cho cháu bé nhưng vẫn không thể bảo tồn được bên tinh hoàn đã bị xoắn.
Bác sĩ Liên kể, mổ ra phần tinh hoàn bị xoắn đã đen, thối. Cháu chỉ còn lại tinh hoàn bên phải nhưng đã bị teo một phần.
Trường hợp này, Thạc sĩ Liên cho biết cháu bé khó có khả năng có con. Các bác sĩ phải theo dõi xem tình hình tinh hoàn còn lại có bị teo thêm nữa không.
Xoắn tinh hoàn bệnh lý nguy hiểm
Xoắn tinh hoàn thường đòi hỏi phải phẫu thuật khẩn cấp. Nếu xoắn tinh hoàn được điều trị trong vòng một vài giờ bị đau, tinh hoàn có thể được giữ lại.
Nếu bệnh nhân đến trễ quá 8 giờ từ khi khởi phát đau, tinh hoàn bị tổn thương thường không hồi phục, ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Khi lưu lượng máu đã bị cắt quá lâu, tinh hoàn có thể trở nên bị hư hỏng nặng và cần được loại bỏ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của xoắn tinh hoàn như bất ngờ hay đau nặng một tinh hoàn, sưng bìu, buồn nôn và ói mửa, đau bụng. Nhìn bằng mắt thấy một tinh hoàn ở vị trí cao hơn bình thường.
Cơn đau có thể khởi phát về đêm làm cho bệnh nhân phải thức dậy. Sờ tinh hoàn rất đau. Những bệnh nhân đến muộn, da bìu sưng nề, bầm tím. Mất phản xạ da bìu là một triệu chứng có độ đặc hiệu cao. Khoảng 2% bệnh nhân có thể bị xoắn thừng tinh hai bên.
Đau tinh hoàn đột ngột biến mất mà không cần điều trị - điều này có thể xảy ra khi một tinh hoàn xoắn và sau đó tự tháo xoắn. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn phải đến các cơ sở y tế để các bác sĩ có biện pháp điều trị và theo dõi.
Thạc sĩ Liên cho biết trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Trong quá trình phát triển của bào thai, tinh hoàn di chuyển xuống bìu.
Kết thúc quá trình di chuyển này, tinh hoàn sẽ được treo lủng lẳng trong bìu như quả lắc đồng hồ. Càng về sau tinh hoàn càng được cố định vững chắc hơn và nằm hẳn trong bìu.
Tại đây, tinh hoàn được bao bọc bởi màng bao tinh hoàn. Màng bao tinh hoàn dính vào mặt sau ngoài của tinh hoàn, khiến tinh hoàn ít khả năng di chuyển trong bìu.
Xoắn thừng tinh là do tinh hoàn không được cố định vững chắc, tự xoay quanh trục của nó làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu đến nuôi tinh hoàn. Hậu quả là tinh hoàn bị hoại tử. Xoắn tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới từ 10 đến 25 tuổi.
Xoắn tinh hoàn có thể gây ra các biến chứng hoại tử tinh hoàn. Khi xoắn tinh hoàn không được điều trị trong vài giờ, lưu lượng máu bị chặn có thể gây thiệt hại vĩnh viễn hoặc hoại tử tinh hoàn.
Nếu tinh hoàn bị hư hỏng nặng, nó phải được phẫu thuật cắt bỏ. Bệnh nhân không có khả năng sinh con. Trong một số thiệt hại, trường hợp hay gặp là ảnh hưởng đến khả năng sinh con.
Thạc sĩ Liên nhấn mạnh nếu có triệu chứng đau cấp tính vùng bẹn bìu thì các bệnh nhân nam nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh việc mất đi oan uổng một tinh hoàn do thiếu hiểu biết.