Lại bất lực tìm quốc phục Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sáng 29/10, hội đồng nghệ thuật cuộc thi thiết kế lễ phục nhà nước đã họp để chọn ra các mẫu thiết kế xuất sắc nhất của vòng sơ khảo.

Theo báo Tuổi trẻ, các thành viên đều đánh giá các mẫu thiết kế chất lượng không cao, chưa đáp ứng yêu cầu và mục đích mà ban tổ chức đưa ra. Thậm chí một số mẫu thiết kế còn bị đánh giá là thiếu sáng tạo, vay mượn từ trang phục của Trung Quốc lẫn phương Tây một cách máy móc.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Vương Duy Biên, các mẫu thiết kế mang nặng tính thời trang trình diễn sân khấu, chưa có sự tiện lợi, ấn tượng và sang trọng của một bộ lễ phục nhà nước. Các tác giả tham dự cuộc thi chủ yếu là các nhà thiết kế không chuyên hoặc sinh viên các trường đại học. Các nhà thiết kế chuyên nghiệp vắng bóng hẳn tại cuộc thi.

Với 254 mẫu thiết kế của 47 tác giả nhưng lại không chọn ra nổi 20 mẫu để vào vòng chung khảo. Một kết quả khiến cả hội đồng nghệ thuật phải đau đầu.

Áo dài vẫn chưa được công nhận là Quốc phục.

Trước chất lượng thấp của các mẫu thiết kế tham gia cuộc thi, hội đồng nghệ thuật và ban tổ chức đã quyết định điều chỉnh vòng chung khảo của cuộc thi. Theo bà Đoàn Thị Thu Hương (phó cục trưởng Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh - triển lãm): “Hội đồng đã chọn ra ba tác giả có khả năng đi tiếp từ vòng sơ khảo. Bên cạnh đó, hội đồng sẽ lựa chọn mời bảy nhà thiết kế chuyên nghiệp tham gia việc thiết kế các mẫu lễ phục. Trong vài ngày tới, hội đồng nghệ thuật sẽ tiếp tục họp để thống nhất danh sách các nhà thiết kế được mời”.

Các mẫu thiết kế ở giai đoạn này sẽ được hội đồng nghệ thuật góp ý về mặt hoa văn, chất liệu, kiểu dáng để chỉnh sửa trước khi may thành sản phẩm.

Trước đó, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã phát động cuộc thi thiết kế lễ phục nhà nước. Dự kiến chọn ra 20 mẫu thiết kế của 10 tác giả vào vòng chung khảo. Tại vòng chung khảo, 20 mẫu thiết kế sẽ được may và trình diễn để từ đó chọn ra bốn thiết kế xuất sắc nhất với tổng giá trị giải thưởng 120 triệu đồng.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tính từ năm 1990 đến nay, không dưới 10 lần vấn đề xây dựng đề án Quốc phục Việt Nam được các cấp, ngành xới lên, yêu cầu thực hiện. Nhưng sau rất nhiều cuộc thi thiết kế mẫu, hầu như tất cả kết quả đều chỉ được xếp vào kho lưu trữ của Cục Mỹ thuật. Nguyên nhân là do chưa có thiết kế nào đáp ứng được tiêu chí vừa thời trang, vừa kế thừa truyền thống, lại vừa hợp lý trong mục đích sử dụng.

Hơn 20 năm qua, đã có hàng chục hội thảo quốc gia bàn về lễ phục, quốc phục, thậm chí các nhà thiết kế đã may thể nghiệm một vài mẫu…nhưng việc lựa chọn dường như vẫn giậm chân tại chỗ bởi 'chín người, mười ý'.

Vào cuối năm 2012, cuộc hội thảo mang tên “Quốc phục Việt Nam tiêu chí và lựa chọn” đã được tổ chức tại Hà Nội. Rất nhiều ý kiến và bài thuyết trình đã được đưa ra, bởi các nhà chuyên môn các nhà nghiên cứu, nhiều vấn đề đã được đặt ra tại Hội thảo này, trong đó ý kiến chọn áo dài cho nữ và áo dài khăn đóng cho nam chiếm đa số, tuy nhiên, từ hội thảo đó đến nay, việc chọn lễ phục vẫn còn là dấu hỏi chấm chưa đi đến thống nhất.

Giải thích về việc chậm trễ mãi chưa tìm ra quốc phục, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), Trưởng Ban tổ chức xây dựng và triển khai Đề án Lễ phục Nhà nước cho biết, Bộ chưa thống nhất được “đầu bài” để giao cho các nhà thiết kế, hơn nữa còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa chọn được.

Về những ý kiến xây dựng “Lễ phục nhà nước” cũng còn nhiều đối lập trong việc xác định tiêu chí về mẫu y phục của nam giới. Trong đó, người ủng hộ mẫu áo dài, khăn đóng nhưng cũng có người cho rằng nên lấy mẫu complet làm trang phục cho nam giới.

Giáo sư Trần Lâm Biền từng đưa ra ý kiến cho rằng "Người Việt Nam là một cư dân sống rất nặng về biểu tượng dân dã, cho nên phải đi tìm đến giá trị biểu tượng của nó thì trên nền tảng ấy mới tạo dựng nên bộ quần áo thích hợp cho Quốc phục".

"Chọn Quốc phục tất nhiên phải dựa vào trang phục truyền thống của dân tộc, rồi cải tiến. Muốn vậy phải dựa trên nền tảng hiểu biết trang phục của tổ tiên.

Đừng có đòi Quốc phục khi chưa hiểu tổ tiên ta ăn mặc ra sao. Chưa hiểu mà đã bàn đến chọn quốc phục thì quốc phục ấy chỉ là một thứ chơi vơi, một cái vỏ bên ngoài. Người Việt Nam là cộng đồng cư dân sống rất nặng về biểu tượng dân dã, cho nên phải đi tìm đến giá trị biểu tượng của nó thì trên nền tảng ấy mới tạo dựng nên bộ quần áo thích hợp cho Quốc phục", GS Biền cho hay.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn