Làm gì khi con lười học?

19:00, Chủ nhật 02/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lười học của con, nguyên nhân đó có thể xuất phát từ chính bé, nhưng cũng có khi xuất phát từ chính các bậc làm cha mẹ. Cùng tham khảo các biện pháp của chuyên gia giáo dục dưới đây để giúp con chăm học hơn các mẹ nhé!

Một số trẻ có thể lực yếu hơn những trẻ cùng lứa tuổi nên được cha mẹ nuông chiều không phải làm việc gì kể cả việc học, do đó mà trẻ không có khái niệm học bài, lâu dần tạo thói lười học.

Lịch học chính khóa và học thêm dày đặc lấy hết thời gian vui chơi, trẻ mệt mỏi, chán nản không còn thiết gì đến việc học bài ở nhà, thậm chí trên lớp trẻ cũng không muốn hoàn thành lượng bài vở tối thiểu mà một học sinh phải thực hiện.

Trẻ có bản tính chậm chạp, luôn trong trạng thái chép bài không kịp, cố mãi không được nên trẻ mặc kệ, muốn đến đâu thì đến. Ngược lại, trẻ hiếu động lại ham chơi, mải nghịch ngợm mà bỏ bê học hành.

Cách dạy dỗ của thầy cô không thu hút được trẻ, không khiến trẻ phát huy được khả năng của mình cũng làm cho trẻ chán chường, không thích học.

Cho con học trước chương trình, cha mẹ kỳ vọng con sẽ thông minh, biết trước mọi kiến thức để có thời gian làm bài nâng cao. Chính điều này là con dao hai lưỡi, đã không giúp trẻ học tốt hơn mà còn khiến trẻ bị lạc lõng với chương trình học bình thường, không coi trọng giờ học và trở nên lười nhác.

Trẻ không nhận được sự quan tâm đúng mức của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, cảm thấy việc học không có ý nghĩa, đi học chỉ là bắt buộc và học bài là công việc không có trong đầu.

Sự chi phối của các chương trình truyền hình, trò chơi trực tuyến, sự dụ dỗ lôi kéo của những bạn bè xấu kéo các em ra khỏi quỹ đạo học hành, chỉ lo vui chơi đàn đúm mà không nhớ đến nhiệm vụ học tập nữa.

Một số trường hợp trẻ vẫn hoàn thành bài vở mà cha mẹ cứ kêu ca là con không chịu học bài. Đây là tâm trạng chung của những ông bố bà mẹ có con học khá giỏi, các em xử lý bài vở nhanh gọn rồi đi chơi hoặc làm việc khác khiến cha mẹ cho rằng con không học.

Đối với những bậc phụ huynh này thì con phải ngồi ngay ngắn trước bàn học đủ thời gian quy định mới gọi là học. Nhiều trẻ đã tỏ ra khó chịu với thái độ của cha mẹ và để chống đối, các em cứ ngồi đủ giờ cho cha mẹ đỡ la rầy còn thì toàn làm việc riêng. Điều này có khi lại gây ra tâm lý ứng phó cho xong chứ các em không chú tâm vào việc học nữa và kết quả là từ chỗ chăm chỉ hoàn thành bài vở lại trở nên lười học.

Để tránh tình trạng này, các bậc cha mẹ nên có sự quan tâm sâu sát tới việc học của con, không nhìn hình thức đoán nội dung mà phán xét con lười học và bắt con phải học khi mà trẻ không muốn.

Các chuyên gia về sư phạm đã đưa ra những lời khuyên cho các bố mẹ có con lười học bài như sau:

- Tìm hiểu lí do tại sao con không muốn học bài bằng cách gần gũi, hỏi han con một cách nhẹ nhàng. Không nên mắng mỏ, dọa nạt con. Đồng thời cha mẹ nên gặp riêng cô giáo chủ nhiệm để tìm hiểu nguyên nhân và bàn biện pháp khắc phục.

- Cùng con lập thời gian biểu hợp lí, cân bằng giữa học tập, vui chơi, làm việc nhà…để con không dành quá nhiều thời gian cho việc học dẫn đến chán học.

- Không bao giờ so sánh con với các bạn khác để lấy đó làm cớ phê bình, chỉ trích con. Điều đó vừa làm cho con chán nản vì thua kém bạn bè vừa lo lắng mình không thể bằng các bạn.

- Dành thời gian từ 30-60 phút mỗi ngày để giám sát và hướng dẫn con học nhưng không nên để con có cảm giác bị theo dõi mà chỉ nên gợi ‎ý và động viên trẻ. Nếu trẻ chịu khó làm bài thì có đúng hay sai cũng phải khen ngợi để trẻ cảm thấy hào hứng.

- Tạo cho trẻ một môi trường học tập yên tĩnh, thoáng mát. Bé sẽ khó tập trung học nếu tiếng ồn quá nhiều vọng đến từ ti vi, đài, tiếng nói chuyện. Nên tham khảo ý kiến của con khi thiết kế góc học tập cho con.

- Có thể cho con nghỉ một buổi học ở nhà nếu con mệt hay có điều gì lo lắng.

- Đừng tiếc lời khen ngợi và những món quà nho nhỏ cho con, vì đó là liều thuốc kích thích tinh thần con rất tốt, giúp trẻ tự giác học bài mà không cần phải nhắc nhở.

- Trong thời gian con học, cha mẹ không nên nói chuyện quá to hay ngồi xem ti vi với tiếng loa quá lớn. Không chỉ làm bé mất tập trung mà còn khiến trẻ cảm thấy đơn độc, ghen tỵ vì trong khi mọi người ngồi chơi thì trẻ lại phải học…

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy