Nguyên tắc “5 không trách” dành cho con cái
1. Không trách cha mẹ kém cỏi
Khả năng của con người là có hạn, vì thế nếu có điều gì cha mẹ không làm được cũng là chuyện bình thường. “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha mẹ cho ta sinh mạng, lại vất vả bao năm để nuôi dưỡng chúng ta nên người, bởi vậy xin đừng bao giờ oán trách cha mẹ kém cỏi, không thể cho con cuộc sống tốt hơn. Hãy trân trọng và yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng.
2. Không trách cha mẹ hay cằn nhằn
Cha mẹ được ví những người thầy đầu tiên của mỗi chúng ta, bởi lẽ rất nhiều chặng đường ta đang đi, cha mẹ đều đã từng trải qua. Với những kinh nghiệm sống của mình, cha mẹ luôn mong có thể chia sẻ để giúp con trở nên tốt hơn, vì thế mới hay cằn nhằn, nhắc nhở.
Bạn thấy phiền phức vì cha mẹ nói nhiều? Sự thật là chỉ có người quan tâm đến ta mới chịu tốn thời gian mà “nói nhiều” với ta như vậy. Rồi kì lạ thay, chỉ đến khi khó khăn trong cuộc sống làm bạn mệt mỏi, bạn mới thấy khao khát được nghe những tiếng cằn nhằn ấy biết nhường nào.
3. Không trách cha mẹ vì mắng mình
Cha mẹ thường trách mắng vì không bằng lòng với tình trạng hiện tại của con cái. Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng mong con mình ngày một tiến bộ, giỏi giang để sau này có thể sống no đủ, thoải mái. Cha mẹ có trách mắng cũng vì không muốn ta mắc phải sai lầm họ từng mắc, lãng phí tuổi trẻ vào những thú vui vô bổ mà sẽ làm ta hối hận sau này.
4. Không trách cha mẹ chậm chạp
Khi cha mẹ già đi, động tác sẽ không còn linh hoạt, thần trí cũng không được minh mẫn như trước nữa. Nếu ngày ấy đến, xin bạn đừng chê trách cha mẹ phiền phức, chậm chạp. Hãy nghĩ đến thuở ta còn thơ bé, cha mẹ đã luôn chăm sóc ta từng li từng tí như thế nào. Nay đôi chân cha mỏi, cái lưng mẹ còng chẳng phải đều vì bao năm qua làm lụng vất vả để nuôi ta khôn lớn hay sao?
5. Không trách cha mẹ ốm yếu
Chúng ta vẫn hay “rùng mình” trước những tin tức con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ già yếu. Dường như những kẻ vô ơn ấy đã quên mất ai là người không quản gió mưa vẫn kiếm tiền nuôi mình ăn học, chẳng ngại đêm trường vẫn chăm sóc khi mình ốm đau.
“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể”, vậy thì cớ sao “con nuôi cha mẹ lại kể tháng kể ngày”? Sinh, lão, bệnh, tử đời này có ai tránh khỏi? Vì vậy, cha mẹ già cả ốm đau cũng là chuyện thường tình. Chúng ta làm người thì hãy sống sao cho trọn chữ “hiếu”, đừng oán tránh mà hãy tận tâm chăm sóc cha mẹ mình, bạn nhé!
Nguyên tắc “7 không mắng” dành cho cha mẹ
1. Không mắng trẻ ở nơi đông người
Danh dự là thứ mà ai cũng có, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ. Bởi vậy, cha mẹ cần chú ý không mắng mỏ con cái trước chốn đông người để tránh làm trẻ thấy xấu hổ, mất mặt.
2. Không mắng khi trẻ đã biết lỗi
Ông cha ta đã dạy: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Vì thế, một khi con trẻ đã nhận ra lỗi lầm của mình thì các phụ huynh nên ân cần chỉ bảo chứ đừng chì chiết thêm nữa.
3. Không mắng trẻ vào ban đêm
Đừng trách mắng trẻ vào lúc này, bởi lẽ con bạn có thể sẽ đem theo cảm giác tủi thân, buồn chán vào giấc ngủ. Chúng có thể khiến trẻ ngủ không ngon giấc, thậm chí gặp phải những cơn ác mộng đáng sợ.
4. Không mắng trẻ trong bữa ăn
Dân gian vẫn nói: “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Vì vậy, mọi lời phê bình, trách phạt hãy để sau bữa ăn hãy nói. Nếu không, điều đó không chỉ phá hỏng không khí bữa cơm gia đình mà còn ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ.
5. Không mắng khi trẻ đang vui mừng
Khi con người vui mừng, các kinh mạch trên cơ thể ở vào trạng thái khai thông tốt. Nếu ngay lúc đó lại bị trách phạt, mắng mỏ thì những ức chế tinh thần sẽ khiến kinh mạch đột ngột bị bế tắc, gây hại cho cơ thể. Chính vì thế, cha mẹ hãy nhớ đừng mắng khi trẻ đang vui mừng.
6. Không mắng khi trẻ đang gặp chuyện buồn
Những lời phê bình lúc này sẽ chỉ càng làm tâm trạng con bạn xấu đi, tạo thêm áp lực tinh thần cho trẻ. Những áp lực ấy nếu không được giải tỏa kịp thời có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường về sau.
7. Không mắng khi trẻ đang ốm
Điều này là quá rõ ràng, bởi lẽ ốm đau là khi cơ thể con người yếu đuối nhất, tinh thần cũng mềm yếu, dễ tủi thân. Thay vì trách mắng, điều cha mẹ cần làm là quan tâm và chăm sóc nhiều hơn đến con cái mình. Cảm giác được yêu thương có khi lại hữu hiệu hơn bất cứ bài thuốc nào trên đời.
Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc
Tình yêu là khởi điểm của hạnh phúc
Những thành viên trong gia đình phải có chất keo gắn kết đó là tình yêu, nhờ có tình yêu mà những thành viên trong gia đình luôn luôn quan tâm, chia sẻ, động viên lẫn nhau, luôn cố gắng sống vì nhau. Tình yêu từ cha mẹ dành cho con cái cũng như tình yêu của con cái dành cho cha mẹ là những tình cảm hết sức tự nhiên. Nếu cha mẹ phải bận bịu nhiều công việc mà không có thời gian quan tâm đến con thì sẽ hình thành nên khoảng cách, người con sẽ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình và sẽ sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Vì vậy các thành viên trong gia đình hãy phá bỏ những rào cản, yêu thương nhau bằng trái tim chân thành sẽ khiến các thành viên lúc nào cũng hướng về nhà, nơi ấm áp và hạnh phúc nhất mà không có thứ tiền bạc nào có thể mua nổi.
Sự tin tưởng sẽ khiến hạnh phúc được bền chặt
Nếu trong một gia đình, luôn có hiềm khích, luôn có sự nghi kị nhau thì cuộc sống sẽ rất mệt mỏi. Niềm tin là một yếu tố quan trọng, tất cả mọi thành viên đều tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng khi chia sẻ hết được mọi niềm vui và nỗi buồn. Mọi thành viên nên không ngừng nỗ lực để tạo được niềm tin từ các thành viên còn lại. Tin tưởng nhau khiến các thành viên dễ dàng xích lại gần nhau hơn.
Để gia đình hạnh phúc thì phải có tính tự giác
Sự tự giác này cần được tạo nên từ một nền tảng vững chắc trong một thời gian dài. Con cái không nên được tự quyết quá sớm mà cần phải được rèn dũa với nhiều hình thức kỷ luật nghiêm khắc để có thể dần định hình được cách nhận biết cái gì đúng cái gì sai. Nếu bỏ mặc cho trẻ muốn làm gì thì làm rồi yêu cầu trẻ phải tự giác trong mọi việc liên quan đến bản thân thì trẻ sẽ dễ dàng sa ngã khi nền tảng còn quá yếu. Khi trẻ đạt đến một lứa tuổi nhất định, có cách tư duy nhất định mà bố mẹ có thể tin tưởng được thì cần nêu cao tính tự giác của trẻ.
Trách nhiệm chính là bí quyết để có một gia đình hạnh phúc
Vô trách nhiệm sẽ bóp nát một gia đình hạnh phúc. Trách nhiệm được tạo nên từ tình yêu, niềm tin và tính tự giác. Các thành viên khi yêu thương nhau, chia sẻ, cảm thông với nhau sẽ tự giác hình thành nên trách nhiệm. Mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy có trách nhiệm với người khác để sao cho xứng đáng với niềm tin yêu để cố gắng hoàn thành hết sức có thể trọng trách, công việc cũng như nhiệm vụ của mình. Khi ý nghĩa của trách nhiệm trở thành một thói quen, nó sẽ không chỉ dừng ở gia đình mà còn mở rộng tới bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên…
5 tuyệt chiêu "làm nũng" mà phụ nữ nên biết để quyến rũ chồng (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - "Làm nũng" không chỉ là đặc quyền của những cô gái trẻ trung mà ngay cả phụ nữ có chồng cũng nên áp dụng khiến cho chồng không sao rời mắt được. |