Các mẹo hay tránh bị cướp giật nhất định bạn phải biết

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dưới đây là một số mẹo hay để tránh bị cướp giật và cách giải quyết khi bị cướp mọi người nên tham khảo.

1. Thủ đoạt cướp giật manh động

Những năm trở lại đây, tội phạm cướp giật có xu hướng manh động hơn. Người gây án tập trung vào số thanh thiếu niên độ tuổi từ 16 - 30, không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập chơi bời, sử dụng các loại chất kích thích (bia, rượu, ma túy…) và đánh bạc, cá độ bóng đá, chơi lô đề. Tỷ lệ tái phạm của những người gây án có tiền án, tiền sự khá cao. Đáng lo ngại là tình trạng học sinh, sinh viên, thậm chí công chức, giáo viên cũng đi gây án.

cuop
Bọn cướp giật thường cấu kết với nhau, hình thành các băng ổ nhóm có từ 2 tên trở lên.

Bọn cướp giật thường cấu kết với nhau, hình thành các băng ổ nhóm có từ 2 tên trở lên. Chúng thường có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tên trong nhóm, như tên chuyên cầm lái (bo xe), tên chuyên ngồi sau để giật đồ và tên làm nhiệm vụ cản đường khi bị truy đuổi.

Có trường hợp, chúng chia nhau dàn cảnh, tạo ra sự cố để người đi đường bộc lộ sơ hở hoặc phân tán sự chú ý bảo vệ tài sản để tạo điều kiện cho đồng bọn ra tay…

Có băng nhóm lại phân công đứa chuyên đi “tăm tia” ở các địa điểm như ngân hàng, tiệm vàng, cây ATM. Phương thức gây án phổ biến là sử dụng xe máy “đi dạo” trên các tuyến đường để quan sát. Khi thấy có người mang theo tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao và dễ tiêu thụ (như điện thoại di động, máy ảnh, nữ trang, túi xách, vàng, tiền mặt…), hoặc những người vừa giao dịch trong ngân hàng, tiệm vàng, cây ATM đi ra, chúng liền tổ chức đeo bám.

Đến những địa điểm thuận lợi (như đường thoáng rộng hay có nhiều ngã rẽ tiện cho việc tẩu thoát, phía trước vắng người …), chúng lập tức tăng ga áp sát mục tiêu để cướp giật túi đồ đựng tiền, vàng rồi tẩu thoát. Nếu bị truy đuổi, kẻ chạy xe phía sau sẽ làm nhiệm vụ ngăn cản, gây khó khăn cho người truy đuổi. Thời gian gần đây, xuất hiện thủ đoạn bọn cướp giật cản đầu xe nạn nhân, hay dàn cảnh vụ đụng xe để họ mất cảnh giác, rồi đồng bọn từ phía sau vượt lên, áp sát nạn nhân để móc túi hoặc cướp giật đồ treo trên xe.

Có trường hợp, bọn chúng theo xe ôtô, taxi vừa lĩnh tiền từ ngân hàng. Đến đoạn đường vắng, bọn chúng bí mật rải đinh trước bánh xe, sau đó thông báo cho lái xe biết là xe bị xì bánh, lợi dụng lúc tài xế xuống kiểm tra hoặc sửa chữa, bọn chúng trộm cắp tiền hoặc giật đồ của người ngồi trong xe rồi tẩu thoát. Tâm lý của tội phạm cướp giật rất manh động, quyết liệt, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, miễn là cướp được tài sản. Khi bị truy đuổi, sẵn sàng sử dụng hung khí mang theo để chống trả. Công cụ phương tiện gây án chủ yếu là các loại xe máy có tốc độ cao, phân khối lớn đeo biển số giả, che biển hoặc tháo biển; cũng có thể đeo biển số thật, nhưng là của xe khác. Gần như tên cướp giật nào cũng “găm đồ” (dao, kiếm, công cụ hỗ trợ…) trong người.

Cách phòng tránh

Vậy làm gì để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật?

Cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn cướp giật ra tay. Đồng thời, phải “phòng ngừa sớm” bằng việc dự liệu từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp giật.

Cách tốt nhất khi ra đường là đừng phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức khi ra đường. Nếu đeo thì nên quàng khăn, mặc áo dài tay kín cổ, áo chống nắng… trùm ra ngoài để che khuất đi. Không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết.

Khi đó, phải cất tiền, tài sản vào trong cốp xe (nếu có) hoặc chằng buộc cẩn thận vào xe. Lưu ý, trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh, vì bọn cướp giật thường chọn thời điểm này để gây án. Nếu túi to, cốp nhỏ không để vừa, thì tốt nhất là đeo túi, balô, cặp laptop… về phía trước bụng, hoặc treo buộc túi ở ba-ga xe máy (giữa hai đùi), quàng dây cẩn thận qua cổ xe, để tránh bị rạch túi nếu đeo sau lưng. Quai túi nên chọn loại to bản, chắc chắn để bọn cướp từ bỏ ý định giằng giật.

2. Mất đồ vì bị "thôi miên"

Thời gian qua, không ít những trường hợp sinh viên là nạn nhân của trò “thôi miên” ngay chính phòng trọ của mình. Nguyễn Diệu Thảo (sinh viên  trường Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa chân ướt chân ráo lên thành phố học đã bị mắc bẫy ngay kẻ gian. Thảo kể lại, khi đang ngồi học trong phòng thì có người đến gõ cửa và xưng là nhân viên tiếp thị của hãng mỹ phẩm A.W. Thảo cũng từng mua sản phẩm của hãng một lần  nên không nghi ngờ nhiều khi nghe giới thiệu sản phẩm. 

Tiếp tục với “chiếc bánh vẽ” cô nhân viên quảng cáo nếu đầu tư một sản phẩm có giá trị cho công ty thì Thảo sẽ có cơ hội bốc thăm trúng thưởng sản phẩm gấp đôi giá trị của mình đầu tư lúc khởi điểm. Trong phòng Thảo lúc đó có chiếc máy tính để bàn là giá trị nhất nhưng không hiểu vì lý do gì Thảo chạy sang phòng bên cạnh mượn chiếc laptop và đưa cho nhân viên mỹ phẩm, không chút do dự.

Chỉ đến khi người lạ kia đi chừng 10 phút, Thảo mới ngẩn người vì biết rằng mình bị lừa. Thảo cho biết: “ Em không nhớ nổi mình đưa máy cho người ta như thế nào, khi có chị hàng xóm gọi lấy laptop em mới choàng tỉnh và biết mình bị sập bẫy. Thời gian sau đó, em phải đi làm thêm cật lực để có tiền mua máy trả nợ”.

Cũng giống như Thảo, Lê Thị Hương ( Sinh viên năm cuối trường Đại học Văn hóa Hà Nội ) cũng từng bị kẻ gian thôi miên lấy chiếc máy ảnh và xe đạp ngay tại phòng trọ. Vờ là người khách đến hỏi phòng trọ và  xin Hương cốc nước trong phút chốc cô đã “tự nguyện” đưa máy và xe cho kẻ lạ. Khi bạn cùng phòng về hỏi xe thì Hương mới giật mình vì những chuyện như mơ vừa xảy ra.

Nguyễn Trà My (Sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) khi đang đứng đợi bạn ở ngã tư phố Nối, Hưng Yên thì gặp một người phụ nữ nhờ My mở phím khóa ở điện thoại di động. Nghĩ là khách đi xe buýt bình thường nên My không ngần ngại và nhận lời giúp đỡ.

Sau một hồi nói chuyện, cô sinh viên lặng lẽ đưa chiếc cặp đựng máy tính cho người phụ  nữ ấy mà không biết rằng mình đang bị người kia dùng chiêu trò. Khi xe buýt tới gần, mọi người đổ xôlên xe, My mới giật mình “tỉnh” thìđồ đã biến mất.

Thảo, Hương, My cũng chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ việc bị thôi miên lừa tài sản. Thời gian qua, có nhiều vụ nạn nhân là sinh viên trình báo cơ quan công an rằng họ bị người lạ thôi miên đến mất tài sản, tiền bạc mà không lý giải nổi.  Chỉ sau ít phút kẻ gian đi mất nạn nhân mới thực sự bàng hoàng vì mọi chuyện vừa xảy ra với mình.

3. Lưu ý với nhóm cướp với chiêu bài "đánh ghen"

Hiện nay có những nhóm cướp chuyên dựng cảnh "đánh ghen giả" để cướp (nạn nhân của chúng là phụ nữ). Chúng thường đi một nhóm người có cả nam nữ và rất hung dữ (có mang theo cả đồ nghề là chai nước như axit, kéo, dao lam...). Những tên cướp này diễn rất tinh vi, đóng cả vai "chồng" vai "vợ" rất ngọt, do đó nhiều người phụ nữ "ngoan hiền" đã trở thành "miếng mồi" ngon của chúng.

cuop
Hiện nay có những nhóm cướp chuyên dựng cảnh "đánh ghen giả" để cướp (nạn nhân của chúng là phụ nữ).

Chính vì vậy, khi gặp tình huống này, nạn nhân không được yếu đuối, sợ và khóc là sẽ trúng bẫy của nhóm cướp này và người đi đường sẽ không hỗ trợ được gì cho bạn vì trông "bộ dạng của bạn lúc này chẳng khác gì đang bị đánh ghen thật".

Vì thế, khi rơi vào hoàn cảnh này, nạn nhân nên nhanh nhẹn, bình tĩnh và tri hô lớn: "Cướp ! Cướp! Dàn cảnh đánh ghen để cướp! Cứu tôi ...Gọi công an! Gọi công an", rồi vừa tri hô vừa chạy đến chỗ đông người nhờ giúp đỡ. (Tôi chứng kiến một phụ nữ đã thành công với cách này).

Nếu mọi người đi đường chưa biết rõ sự việc, bạn nên nhờ gọi cảnh sát khu vực đến giải quyết. Bạn nhân cũng đừng quên nhanh tay lấy điện thoại gọi cho người thân nói bạn đang gặp nạn ở đâu. Phải nhanh và tinh ý nếu không điện thoại sẽ vào tay "đánh ghen".

Bọn cướp "đánh ghen" khi nghe hơi cảnh sát, hoặc người thân của bạn đang tới sẽ tẩu tán hoặc xin lỗi vì đánh ghen nhầm. Khi thấy bạn quá lanh lợi ứng phó thì chúng sẽ biết ngay bạn là "miếng mồi thật khó xơi".

Còn nếu chúng ta là những người đi đường (không phải nạn nhận) chúng ta nên giúp đỡ những nạn nhân này bằng cách cùng đám đông tìm tiếng nói chung. Khi có tiếng nói chung thì đám đông sẽ là sức mạnh.

Người Việt mình đa số ngại chủ động, sợ hệ lụy hoặc sợ không ai ủng hộ sẽ mang họa. Nhưng thực tế người Việt chúng ta lại hiếu kỳ, tò mò, "rất quan tâm chuyện của người khác" chỉ cần bạn mạnh mẽ kêu gọi mọi người sẽ giúp bạn. Ưu khuyết điểm của chúng ta là đấy!

4. "Bí kíp" để tránh bị cướp giật túi xách

Mang túi khoác vai dễ bị cướp giật, chỉ mang vật dụng cần thiết và không nên để trong đó đồ giá trị. Khi gặp nạn, hãy để "của đi thay người", tránh giành giật có thể ngã nguy hiểm.

cuop
Khi gặp nạn, hãy để "của đi thay người", tránh giành giật có thể ngã nguy hiểm.

Nạn cướp giật túi xách luôn là mối đe dọa và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt trong thời điểm giáp Tết. Có một số cách để phòng tránh tai nạn này:

1. Kích thước túi xách, nhỏ gọn là tối ưu nhất

Một túi xách lớn đồng nghĩa với việc có nhiều đồ vật giá trị bên trong và thường là mục tiêu cướp giật. Do vậy hãy cân nhắc lựa chọn túi xách phù hợp và bỏ bớt những đồ vật không cần thiết. Có một nguyên tắc: “Túi xách càng nhỏ, rủi ro càng nhỏ”.

2. Chỉ mang những vật dụng cần thiết

Khi bị giật túi xách, nạn nhân thường không thể nhớ được trong túi có những đồ vật gì đã bị mất. Liệu bạn có thể nhớ hết các thứ có trong giỏ xách của bạn không?

Nên hạn chế tối đa việc mang theo giấy tờ quan trọng trong túi xách. Đối với người nước ngoài, nếu có thể hãy photocopy hộ chiếu và để hộ chiếu ở nhà hoặc khách sạn.

3. Sẵn sàng để của đi thay người

Tính mạng và sự an toàn của bạn là quan trọng nhất. Mặc dù kẻ giật túi thường không có ý định làm tổn thương người bị nạn, nhưng bọn chúng cũng không thể kiểm soát hành vi trong trường hợp nếu bị bạn bất ngờ tấn công để giành lại túi xách.

Đặc biệt, nếu đang đi xe gắn máy thì việc cố gắng giành lại túi xách bị giật có thể làm bạn té ngã và bị tai nạn. Đừng cố gắng thực hiện điều này vì nó thực sự nguy hiểm trong mọi trường hợp.

4. Túi xách càng giá trị thì càng là đối tượng kẻ cướp nhắm tới

Sẽ rất khác nhau nếu bạn mang một túi xách trị giá 350.000 đồng hoặc túi trị giá 3 triệu đồng. Ngoài giá trị của chiếc túi, kẻ giật túi thường quan tâm đến tiền mặt, điện thoại di động, máy tính bảng, máy chụp hình, laptop hoặc các loại thẻ tín dụng... trong túi. Lẽ dĩ nhiên, túi càng giá trị thì đồ vật trong túi cũng hẳn là đồ có giá trị cao.

Nếu bạn mang túi đắt tiền hoặc sang trọng, rất có thể sẽ trở thành đối tượng của những kẻ giật túi.

5. Mang túi khoác vai thì nguy hiểm hơn khi bị cướp

Trong những vụ giật túi, người mang túi khoác vai thường bị thương do té ngã, đặc biệt nếu bạn mang túi chéo qua người. Nên đặt túi trong cốp xe hoặc đặt giữa bạn và người lái xe khi đi xe máy.

6. Hãy quan sát kỹ

Cuối cùng, hãy quan sát những người xung quanh khi bạn đang ở nơi công cộng hoặc trên đường đi. Những kẻ giật túi luôn bám theo bạn một thời gian trước khi chúng hành động. Nếu quan sát thấy ai đó đi theo bạn trong một khoảng thời gian, hãy cho người đó biết rằng bạn đã nhận thức được rủi ro này bằng cách nhìn chúng, ngừng lại và đi vào một cửa hiệu tạp hóa hay đến gần cảnh sát giao thông.

Bắt nữ quái cùng đồng bọn giật tài sản trên phố Sài Thành
Bắt nữ quái cùng đồng bọn giật tài sản trên phố Sài Thành
(Xã hội) - (Phunutoday) - Ngày 21/12, công an quận Tân Bình, TP.HCM cho biết đang tạm giữ cặp nam nữ có hành vi cướp giật tài sản trên phố.
8 mẹo chiên rán thức ăn không bị bắn dầu ai cũng nên biết
8 mẹo chiên rán thức ăn không bị bắn dầu ai cũng nên biết
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Khi chiên rán thức ăn, dầu mỡ rất dễ bắn ra ngoài gây phỏng da, bẩn nhà bếp và làm tổn thất lượng dầu đáng kể… Dưới đây là một số mẹo khắc phục.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn