Việc chăm con từ xưa đến nay vẫn nghiễm nhiên được coi là việc "của đàn bà". Chính vì vậy trong nhiều gia đình Việt,việc một ông chồng lại có khả năng đảm đang tháo vát chuyện thay bỉm, nấu cháo hay bón cho con ăn là điều ...trong mơ.
Một năm người mẹ chỉ vắng nhà vài lần nhưng lần nào vắng mẹ, các ông chồng vụng chăm con cũng tạo ra những tình huống dở khóc, dở cười.
Cuộc chiến cho con ăn của bố
Hôm đó, lớp cấp 3 của chị Nguyễn Thu Hương (Mỹ Đình, Hà Nội) tổ chức buổi liên hoan họp mặt. Kể từ ngày sinh con nhỏ, chị không có dịp gặp gỡ hay giao lưu bạn bè nên lần này chị cố gắng sắp xếp công việc để đi. Cũng nhân tiện chủ nhật chồng chị được nghỉ, chị giao con cho chồng chăm con.
Để giúp con ăn nhanh chóng hơn, anh nghĩ kế lấy váy của vợ mặc vào người và quàng khăn trùm kín đầu giả mẹ.(Ảnh minh họa). |
Sáng trước khi đi, chị chuẩn bị sẵn đồ và dặn giờ cụ thể để chồng ở nhà cho con ăn. Chị tạm yên tâm vì sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng dặn dò của mình với ông xã.
Phía ông chồng cũng hơi lo lắng vì từ trước đến giờ việc chăm con đa số là của vợ, anh chỉ trợ giúp phần nào. Anh lảo đảo trong mớ hỗn loạn vợ dặn: sữa bao nhiêu ml là đủ, cháo quấy như thế nào để đạt yêu cầu.
Bé Bon nhà anh lười ăn, mọi khi mẹ phải đẩy xe khắp khu mới xong đĩa cháo. Giờ anh không biết xoay sở như thế nào, con nhìn thấy bố đút cháo khua khoắng loạn đĩa, cháo tung tóe khắp nhà. Anh lại lục đục rửa nồi, đặt 1 xoong cháo mới lên bếp và nấu lại.
Dù đã dặn dò chồng kĩ lương nhưng chị Hương vẫn không yên tâm, hơn 11 giờ chị sốt ruột gọi điện về hỏi chồng. Nhưng anh sợ vợ nghĩ mình vô dụng có mỗi việc cho con ăn cũng không xong nên anh chạy vào nhà vệ sinh to nhỏ: Con ăn ngon lành rồi, đang ngủ.
Để giúp con ăn nhanh chóng hơn, anh nghĩ kế lấy váy của vợ mặc vào người và quàng khăn trùm kín đầu giả mẹ. Anh bật nhạc hát ru, thể loại mọi hôm vợ anh vẫn bật mỗi khi con ăn. Bé Bon thấy bộ dạng quen quen cũng xuôi xuôi ăn được nửa đĩa. Xong khoản ăn, anh như nhẹ bớt được nửa gánh nặng.
Cho con nhập cuộc “nhậu”
Câu chuyện cho con nhập cuộc nhậu của anh Đào Bá Thanh ( Tôn Đức Thắng, Hà Nội) vẫn được nhiều người trong khu phố nhắc tới.
Hơn 1 giờ chiều, nhân dịp câu được con cá to, mấy bạn cùng cơ quan nhiệt tình đến tận nhà để rủ anh đi nhậu. Mọi lần các bạn chỉ í ới gọi điện thoại hôm đó lại đích thân đến tận nơi chèo kéo. Lý do con nhỏ, vợ đi vắng không đi được nhưng nhóm bạn hội ý quyết định cho anh địu cả con đi cùng. Cũng sắm nắm bỉm, sữa và địu, hai cha con anh đi chơi ngày nghỉ. Cuộc nhậu của anh lần đầu tiên có sự tham gia của đồng chí nhỏ.
Để con chơi 1 mình trên giường với ti giả, xung quanh quây kín gối sau đó anh chạy ra phụ các bạn làm đồ châm tửu. Tiệc đã sẵn sàng cũng là lúc con khóc tỉ tê vì đói. Cả chiều ngoài bình sữa mang theo, con không ăn thêm gì nữa. Anh quên không mang thêm phần lê xay vợ đã hì hục làm từ sáng để cho con ăn theo đúng thời gian biểu.
5 giờ chiều, chiếu nhậu được quây sẵn, anh bế con ngồi vào lòng, chén chú chén anh với các đồng nghiệp. Trẻ con thấy các chú rôm rả cũng thích chí cười đùa. Anh vô tình lấy đũa chấm vào chén bia cho con nhấp môi. Theo đà, mỗi lần nâng cốc lại 1 lần chấm đũa bia. Đến chén thứ 7 của bố cũng là lúc mặt con đỏ bừng, khóc lặng.
Anh tưởng con đau bụng nên vội vàng đưa con đi khám nhưng tìm mãi không thấy có dấu hiệu gì trên cơ thể. Bác sĩ thấy miệng con có mùi bia, hỏi chuyện anh kể rõ đầu đuôi thì mới vỡ nhẽ. Trên đường đưa con về nhà con ngủ tít mít. Sau 1 tiếng dậy, con lại tỉnh táo bình thường, rất may không có vấn đề gì.
Bé uống cà phê, vợ chồng thay phiên nhau trông đến sáng
Vợ chồng anh Đào Văn Dũng (Khâm Thiên, Hà Nội) cho đến giờ khi ngồi với nhau vẫn hay nhắc về chiến tích trắng đêm chăm con vì con lỡ uống cà phê.
Sáng sớm, chị Thủy (vợ anh Dũng) đi chợ sắm đồ để hôm sau nhà có giỗ. Chị giao cho chồng chăm con khoảng 2 tiếng rồi vội vàng đi chợ. Cả đêm hôm trước làm sổ sách, đến sáng anh gật gù buồn ngủ nên pha tách cà phê để chống chế. Anh bật ti vi xem đá bóng, cu Bin ngồi lòng bố cũng xem theo. Bố mải mê xem, cũng chẳng biết tự lúc nào con đưa cả bàn tay vào cốc cà phê của bố mút mút chấm chấm.
Một năm người mẹ chỉ vắng nhà vài lần nhưng lần nào vắng mẹ, các ông chồng vụng chăm con cũng tạo ra những tình huống dở khóc, dở cười. (ảnh minh hoạ) |
Khi hết trận đấu, bố nhìn xuống thì thấy con choe choét mặt lốm đốm màu nâu của cà phê. Rất may cà phê anh pha đã nguội, cu Bin không bị bỏng. Đúng lúc anh chuẩn bị đứng dậy lau mặt mũi cho con thì chị đi chợ về. Cả đêm hôm đó, anh chị thay phiên nhau trông con vì Bin ngấm cà phê từ ban sáng không ngủ được, cu cậu trằn trọc y hệt người lớn.
Sau “sự vụ”, anh bị cả nhà “cho 1 trận” vì tội trông con không tập trung. Chị thì “chừa” không bao giờ để chồng chăm con một mình cả ngày nữa.
Mơ ngủ, không nhớ nổi tên con
Trường hợp anh Nguyễn Hữu Trung ( Đống Đa, Hà Nội) còn dở khóc, dở cười hơn trường hợp gia đình chị Hà. Anh Trung có con 3 tuổi, tên khai sinh là Nguyễn Nam Anh nhưng tên ở nhà gọi là: cu Tý. Việc đưa đón cu Tý thường là mẹ hoặc bà giúp việc. Anh Trung đi làm xa nên sáng nào cũng lục đục dậy sớm để kịp giờ, chiều về muộn, việc đón con anh ít khi có thời gian.
Bà xã nhà anh được cơ quan cử đi công tác ở Hưng Yên 2 ngày nên việc đón con anh đảm nhận. Chiều hôm đầu tiên nhận trọng trách đón con, anh xin nghỉ từ 2 giờ để về đón Tý. Đợi lâu quá, anh ngủ quên. Đến hơn 5 giờ, phía trường mầm non Hoa Hồng nơi bé Tý học gọi điện cho bố: "Alo, anh đến đón bé Nam Anh ngay nhé, giờ học đã muộn mà chưa thấy bố mẹ đón bé". Anh chưa hình dung tên Nam Anh là tên của con, tưởng ai gọi nhầm nên dập máy ngủ tiếp.
Chuông điện thoại reo tiếp, phía đầu dây bên kia hỏi lại: "Xin lỗi cho tôi hỏi, đây có phải là số điện thoại của bố Nam Anh không ạ". Anh vẫn nhất mực từ chối: "Không, nhầm máy rồi ạ, không có Nam Anh nào ở đây cả". Lần 3 gọi lại vẫn kiểm chứng thông tin: "Anh có phải bố của Nam Anh cu Tý không ạ". Lúc này anh mới tỉnh ngủ giật mình: "Thôi chết rồi, đúng tôi là bố Nam Anh". Hôm đó, anh Trung đến đón con muộn nhất lớp. Lúc anh đến, con đang ngồi bần thần với cô chủ nhiệm lớp mầm non.
Trên đây chỉ là một số ít các trường hợp dở khóc dở cười khicác ông chồng chăm con. Từ những tình huống này, chúng ta thấy rõ ràng rằng cuộc sống hiện đại khiến cho ở một số gia đình người phụ nữ bị phó thác hết chuyện chăm sóc con. Người chồng viện cớ công việc bên ngoài bận bịu mà không có nhiều thời gian để giúp vợ, do đó chuyện lúng túng của các ông bố khi một mình chăm con cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: người vợ, người mẹ cần chia sẻ và hợp tác với chồng trong việc cùng nhau trông nom, dạy dỗ con cái. Với người đàn ông, cùng vợ chăm sóc con từ lúc sơ sinh sẽ tận hưởng được trọn vẹn niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn của một người làm bố. Và đó là cách tuyệt vời nhất để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Cách lựa chọn trai hến và mẹo xử lý chất độc các mẹ nên biết |