Mẹo xử trí 8 bệnh bé thường gặp khi giao mùa

19:00, Thứ năm 26/03/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, viêm da… là bệnh bé dễ mắc khi thời tiết chuyển mùa các mẹ cần đề phòng và học cách xử lý ngay.

Thời tiết giao mùa dễ khiến trẻ nhỏ đặc biệt là bé sơ sinh bị viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, viêm da…

1. Viêm phổi

Bệnh này rất nguy hiểm với bé vì sức đề kháng cũng như khả năng chịu lạnh của các em kém hơn người lớn. Để biết con mình có gặp vấn đề về phổi không, cha mẹ có thể đếm nhịp thở xem bé có thở nhanh, thở gấp không. Đây là dấu hiệu quan trọng và dễ nhận biết nhất nếu bị viêm phổi.

trẻ
Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm với bé vì sức đề kháng cũng như khả năng chịu lạnh của các em kém hơn người lớn.

Cụ thể, trường hợp được cho là thở nhanh nếu bé dưới 2 tháng tuổi có nhịp thở từ 60 lần trong một phút trở lên, bé từ 2 tháng đến một tuổi nhịp thở từ 50 lần trong một phút, bé từ một đến 5 tuổi thở từ 40 lần trong một phút, bé từ 5 tuổi trở lên nhịp thở từ 30 lần mỗi phút.

Nếu bé bị viêm phổi, cha mẹ cần chú ý giữ ấm, tránh để bé bị lạnh, ẩm hay gió lùa. Nếu chỉ sốt, ho do cảm cúm thông thường không cần nhập viện. Trẻ có biểu hiện ho, sốt, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi, cần đưa đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Lưu ý không nên tùy tiện dùng thuốc kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ.

2. Viêm tiểu phế quản

Đây là bệnh hô hấp cấp tính, thường gặp ở bé do viêm tắc các tiểu phế quản. Bệnh xuất hiện quanh năm, cao nhất vào mùa đông và đầu xuân. Nhiều trường hợp bé mắc bệnh này chỉ có triệu chứng sổ mũi trong, ho nhẹ.

Bé bị viêm tiểu phế quản nhẹ có thể điều trị ở nhà bằng cách cho uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho, sát khuẩn mũi, họng bằng dung dịch nước muối 0,9%, uống thuốc hạ sốt nếu có dấu hiệu sốt. Thấy bé không thể hạ sốt, bỏ bú, nôn trớ, thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, da tím tái phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện điều trị.

3. Cảm cúm

Biểu hiện thường gặp là sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, hắt hơi thường xuyên và chảy nước mũi trong. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà thời gian bệnh kéo dài hay ngắn, giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn.

Chăm sóc khi bé bị cảm tưởng chừng đơn giản, song nếu không cẩn thận bệnh nhi dễ mắc thêm các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi. Ngay khi bắt đầu có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho cơ thể bé, nên dùng khăn giấy hoặc khăn sữa khô sạch thấm nhẹ nước mũi chảy ra. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý loại dùng cho bé cũng giúp vệ sinh vùng mũi họng, giảm triệu chứng nghẹt mũi để bé có giấc ngủ tốt hơn.

cảm
Khi bé bị bệnh cơ thể mất rất nhiều nước nên cần bổ sung nước. 

Lưu ý: Khi bé bị bệnh cơ thể mất rất nhiều nước nên cần bổ sung nước. Có thể cho uống thêm các loại sinh tố, sữa tươi để tăng sức đề kháng. Khi bé có dấu hiệu sốt cao, li bì, ho nặng tiếng phải đưa đến bác sĩ điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

4. Dị ứng da

Trời lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm phát triển gây bệnh ngoài da, đặc biệt là mề đay, chàm, nứt gót chân, da mẩn đỏ. Bệnh khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, gãi không kiểm soát, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Lưu ý: Trời lạnh, da khô, mất nước cũng gây dị ứng da. Do đó cần chú ý bổ sung nước đầy đủ cho bé, không nên tắm nước quá nóng.

Trong trường hợp cần thiết, có thể bôi kem chống dị ứng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng này kéo dài, nên đưa bé đi bệnh viện khám để biết chính xác nguyên nhân mới có thể điều trị khỏi. Không nên xem nhẹ bệnh này vì khi da bị tổn thương, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng nặng.

5. Rối loạn tiêu hóa

Biểu hiện thường gặp là trướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón. Nguyên nhân có thể do ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, thức ăn nguội, mặc quần áo chưa đủ ấm khiến vùng bụng hoặc bàn chân bị lạnh.

Ngay khi bé gặp vấn đề về tiêu hóa, cha mẹ cần xem lại khẩu phần ăn trong ngày để cân đối dinh dưỡng, tránh cho bé ăn thực phẩm quá lạnh hoặc để qua đêm. Sau mỗi lần bé đi ngoài, nên cho bé uống oserol pha đúng tỷ lệ để bù nước và chất điện giải. Hãy cho bé ăn đồ mềm, dễ tiêu hóa, tiếp tục bú mẹ hoặc uống sữa ít béo.

Trong trường hợp bé bị táo bón, nên xem lại khẩu phần ăn, cho bé uống đủ nước, tăng lượng chất xơ để kích thích niêm mạc đại tràng. Nếu bé đi ngoài phân xanh, lỏng là dấu hiệu của viêm dạ dày ruột, còn gọi nhiễm trùng đường tiêu hóa, cần đưa bé đến khám bác sĩ ngay. 

"Khi bé chẳng may mắc những căn bệnh trên, phụ huynh cần bình tĩnh, không hốt hoảng mới có thể sáng suốt mà xử trí đúng cách. Bên cạnh đó nên thường xuyên đưa bé đi khám định kỳ để tầm soát bệnh cũng là cách phòng bệnh hiệu quả", bác sĩ Didier khuyên.

6. Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ rất dễ mắc bệnh này, khi dịch lỏng có chứa virus thủy đậu do người bệnh ho phát tán trong không khí thì chỉ cần bạn ho 1 tiếng có thể hít phải hàng chục con virus này. Triệu chứng chỉ xuất hiện sau 10 đến 21 ngày từ khi nhiễm virus. Những vết phồngđỏ mọng nước nổi lên trên da. Chúng gây ngứa và sau đó đóng vảy.

me
Thủy đậu là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. 

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chỉ được điều trị các triệu chứng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có chỉ định tiêm vắc xin phòng thủy đậu.

7. Viêm màng kết

Hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt.

Triệu chứng: Mắt đỏ và cộm. Đôi khi chảy nước vàng và có rỉ mắt vào ban đêm.

Chữa trị: Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do virus thì bệnh sẽ tự khỏi.

8. Bệnh sốt virus 

Cùng với các bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm phế quản... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trẻ em thì sốt virut cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ phải nhập viện. Khi bị sốt virut, cơ thể trẻ trong tình trạng ốm yếu sẽ là cơ hội cho nhiều bệnh truyền nhiễm khác xâm nhập.

Bệnh sốt virus  thường có các biểu hiện sốt cao kèm theo ho, chảy nước mắt, nước mũi, vài ngày sau có thể nổi nhiều nốt đỏ rải rác toàn thân. Bệnh do nhiều loại virút gây ra.

Đối với các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị chứng, đối với sốt virut ở trẻ em cũng vậy. Do đó các biện pháp thường áp dụng là:

Theo dõi nhiệt độ: Đặt nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát vào ngực.

Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm 0,3 - 0,4 độ. Thí dụ nhiệt kế ghi 38oC thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4oC.

Hạ sốt: Thường dùng paracetamol, chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

Cởi quần áo, bỏ bớt chăn cho trẻ khi đang sốt cao.

Lau bằng khăn ướt nước ấm: Dùng khăn mềm, sạch, nhúng nước ấm, lau lên khắp mình trẻ; cho tới khi thân nhiệt xuống 37oC. Tuyệt đối không được chườm nước lạnh vì sẽ gây sốt cao thêm do cơ chế co mạch ngoại vi.

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC thì dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Nếu trẻ còn bú tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường, và cho uống bù nước ORS (Oresol) theo chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được thì dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng bé liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh...

Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

4 bộ phận trên cơ thể trẻ
4 bộ phận trên cơ thể trẻ "càng xấu" càng khoẻ mạnh
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các em bé sơ sinh hơi "xấu" lại có cơ thể khỏe mạnh hơn.
10 nguyên tắc phải dạy trẻ để không bị xâm hại
10 nguyên tắc phải dạy trẻ để không bị xâm hại
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với trẻ.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Nguyễn Trà Mi