Trong Đông y, lá ngải cứu được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Dân gian đã sử dụng loại lá này từ xa xưa để trị một số bệnh đau nhức xương khớp.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền), ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, giảm đau, cầm máu sát trung. Trong Đông y, ngải cứu còn có tác dụng đặc biệt trị đau nhức xương khớp.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, ngải cứu chứa một số thành phần có dược tính cao như flavonoid, cholin... có khả năng khu trừ phong thấp, kháng khuẩn, giúp máu lưu thông đều đặn.
Muối cũng có đặc tính kháng viêm tốt. Theo Đông y, muối có tác dụng tả hỏa, thanh tâm lượng huyết, nhuận táo, dẫn các thuốc vào kinh lạc, làm chất gây nôn mủa, chữa viêm họng, đau răng... Muối phát huy công dụng tốt trong các trường hợp đau nhức.
Ngải cứu rang muối trị đau lưng, đau vai gáy
Chuẩn bị 1kg muối hạt, lá ngải cứu tươi rửa sạch để ráo nước.
Bỏ muối hạt và ngải cứu vào chảo rang nóng.
Cho hỗn hợp vào túi mỏng và chườm lên những vùng đang bị đau.
Trước khi chườm cần kiểm tra nhiệt độ của hỗn hợp để không bị bị bỏng. Thực hiện việc chườm nóng khoảng 30 phút trước khi ngủ để cơ bắp được thư giãn, nghỉ ngơi hoàn toàn. Làm liên tục trong khoảng 3-4 tuần sẽ thấy hiện tượng đau lưng, đau vai gáy thuyên giảm.
Muối ngải cứu giảm mỡ bụng
Lấy nắm lá ngải cứu rửa sạch, để ráo nước rồi cho lên bếp rang. Khi ngải cứu chuyển sang màu sẫm thì thêm nửa kg muối hạt vào và rang tiếp khoảng 10 phút.
Cho hỗn hợp vừa rang xong vào một chiếc khăn dày và gói lại. Dùng khăn này để chườm nhẹ lên vùng bụng. Lưu ý, nhớ kiểm tra nhiệt độ của túi muối ngải cứu trước khi chườm để tránh bị bỏng.
Ngải cứu rang muối cũng có thể giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả. Bạn cũng dùng ngải cứu và muối rang nóng bỏ vào một chiếc khăn hoặc túi vải rồi đặt lên bụng để xoa dịu cơn đau.
Việc chườm nóng bằng ngải cứu rang muối cần lưu ý độ nóng khi chường. Nhiều người cho rằng càng nóng càng tốt nên dù túi chườm vẫn rất nóng vẫn cố cắn răng chịu đựng. Tuy nhiên, việc này không hề mang lại hiệu quả giảm đau, giảm mỡ mà chỉ khiến bạn bị bỏng. Do đó, sau khi chuẩn bị túi chườm nóng, bạn nên chờ vài phút để cho túi nguội bớt rồi mới sử dụng.
Ngoài ra, phương pháp chườm nóng bằng thảo dược như trên chống chỉ định với những người đang bị sốt, có dấu hiệu mất nước, các khớp bị viêm nóng đỏ; người suy nhược nặng hoặc đang mắc các bệnh nặng như suy tim, suy gan, suy thận, đái tháo đường có biến chứng viêm thần kinh…. Người bệnh có khiếm khuyết về cảm giác, về nhận thức chẳng hạn như giảm/mất cảm giác do viêm thần kinh ngoại biên... không nên sử dụng phương pháp này.