Chuyện “mẹ chồng – nàng dâu” xưa nay vốn dĩ được nói đến quá nhiều bởi mối quan hệ “oan gia” này chẳng mấy khi được hòa hợp, tốt đẹp. Trong đó, phần lớn các bà mẹ chồng bị nàng dâu “kể tội”, hết vì “khác máu tanh lòng” đến ghê gớm, keo kiệt, thậm chí ác nghiệt,…
Bởi vậy, mỗi khi cô con dâu nào đó “đăng đàn” lên án mẹ chồng thì ngay lập tức có hàng trăm, hàng ngàn chị em cùng cảnh ngộ khác vào bình luận đầy sự sẻ chia, đồng cảm. Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa là mọi “tội lỗi” đều từ phía mẹ chồng mà ra. Có những trường hợp lên mạng kể tội mẹ chồng nhưng chị em lại bị ném đá không thương tiếc như cô con dâu dưới đây.
Đó là câu chuyện của mẹ bầu có nick name “T.D.N” đăng trên một nhóm kín của các mẹ bỉm sữa. Cô kể rằng:
“Thực sự em chưa thấy ai tâm lý như mẹ chồng em. Quá tâm lý luôn.
Ngày em mới bầu bà định nấu rau ngót cho em ăn. Được một thời gian bà gửi đào lên cho em ăn. Thịt thì bà toàn gửi thịt để từ tủ đá từ bào giờ ý. Gà thì con gà ốm rồi bà thịt gửi lên cho em ăn. Ôi giời ơi, em mà là dân tộc không biết gì thì chắc ăn rồi đó.
Mang tiếng mẹ chồng em đẻ 2 người con rồi mà cứ như tập đầu ý. Em bảo chồng em là bà không biết gì như thế này em không để bà chăm con đâu. Chồng em bảo ngày xưa các cụ khác. Em nói không được, chồng em cũng không nói gì nữa.
Mẹ đẻ em thì toàn gửi đồ tươi sống, mẹ chồng em không biết kiêng ăn cái gì đã đành, lại toàn gửi thịt đông lạnh từ bao giờ. Cay nhất là vụ con gà nó ốm mà bà vẫn thịt cho em ăn. Em nói cho chồng em là em không ăn mấy đồ đấy, chồng em cũng hiểu bảo thôi bà cho thì cứ lấy, không ăn thì nấu cho mèo ăn. Nhà nuôi nhiều cho mèo chứ không biết làm như thế nào với mấy đùm thịt đông lạnh ấy”.
Ngay sau khi đăng “tâm sự” trên, mẹ bầu T.D.N không ngờ đã ngay lập tức nhận về vô số… gạch đá. Phần lớn các mẹ đều không đồng tình với cách mà bà mẹ trẻ này nói về mẹ chồng như vậy. Hơn nữa, đoạn tâm sự trên còn vô tình nhắc đến từ “dân tộc” nên gây động chạm không ít, khiến nhiều chị em phẫn nộ.
Chủ tài khoản L.S.I bức cho rằng, thứ nhất cô rất “dị ứng với kiểu phân biệt dân tộc này nọ”. Thứ hai, nếu mẹ bầu kia không thích ăn đồ mẹ chồng gửi vì sợ không hợp vệ sinh, sợ ảnh hưởng sức khỏe thì giải thích hoặc nói khéo với mẹ chồng để lần sau bà đỡ mất công lọ mọ đi gửi. Đằng này lại khoe mang cho chó mèo ăn, trong khi đó rất có thể bố mẹ ở nhà phải nhường nhịn từng miếng ăn để gửi lên vì thương con thương cháu.
Rất nhiều ý kiến đồng tình với bình luận trên. Hầu hết các mẹ đều cho rằng cách cư xử như vậy là thiếu tế nhị. Bởi không phải ai cũng biết rõ những thứ gì bà bầu nên – không nên ăn.
“Các cụ ngày xưa đâu có được tiếp xúc với nhiều thông tin như bây giờ, nên không phải ai cũng biết bầu bí thì không được ăn ngải cứu hay đào. Hơn nữa, khoa học đã chứng minh bà bầu ăn đào vẫn tốt mẹ nó nhé, còn ngải cứu thì không ăn nhiều thôi chứ ăn ít và đúng liều lượng còn có tác dụng an thai đấy, mình hồi bầu bí vẫn ăn chứ có sao đâu…” – Nick name My.P.Nguyen chia sẻ.
Rất nhiều mẹ cho rằng “quan trọng là tấm lòng của mẹ chồng thôi, bà có tốt thì mới gửi đồ lên cho. Nhiều khi do bà thật thà, có gì gửi nấy, con gà nó ốm hay thịt đông lạnh bạn không ăn được nhưng đối với nhiều người đó vẫn là món ngon, ăn được. Hơn nữa nếu không thích thì tìm cách nói khéo với bà, hoặc kiêng ăn gì thì cứ nói thẳng ra chứ đem cho chó mèo ăn rồi lên mạng chê bai mẹ chồng như vậy thật không phải chút nào”.
“Có bà mẹ chồng như vậy là tốt lắm rồi. Ở quê con cá lá rau họ cũng góp nhặt rồi gửi lên cho cháu cho con, bản thân mình đôi khi phải nhịn nhường…”.
“Công tâm” hơn, nick name H.L.Nguyen rút ra 1 vấn đề rất lớn tồn tại, đó là “cái gì của mẹ đẻ cũng gọi là ngon, còn cái gì của mẹ chồng cũng là ôi thiu hết”.
Thực tế cho thấy tâm lý của rất nhiều chị em luôn cho là như vậy. H.L. Nguyễn nói thêm “Tâm lý như vậy thì sao sống nổi. Mình hồi mới bầu bà cũng mua rau ngót liên tục, mình không ăn thì bà kể với hàng xóm là tui mua rau ngót về hắn chê không ăn… Nhưng mình cũng không lấy làm ghét bỏ, cứ kệ, hãy tự sống cho bản thân mình bớt nghĩ ngợi nhiều đi”.
Qua đây, bà mẹ trên cũng cần rút ra “bài học” kinh nghiệm về cách ứng xử sao cho khéo léo, tế nhị.