Thực phẩm mốc
Aflatoxin ẩn chứa trong thực phẩm bị mốc, đặc biệt là thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao như gạo, ngô, lạc... Tinh bột có thể sinh ra aflatoxin gây ung thư gan trong môi trường nhiệt độ cao và ẩm ướt.
Bác sĩ dinh dưỡng Meng Lina cho biết có trường hợp một người lớn tuổi sử dụng thức ăn thừa quanh năm và bị ung thư ở độ tuổi 40. Để không lãng phí, ông thường ăn cơm đã có mùi lạ. Gạo hư hỏng, bị mốc hay cơm thiu đều là thứ có khả năng sinh ra độc tố. Thói quen này hoàn toàn không có lợi mà còn gây hại cho cơ thể chúng ta.
Do aflatoxin phát tán dưới dạng bào tử, thực phẩm dễ bị nấm mốc và khả năng hòa tan của aflatoxin trong nước thấp nên việc xử lý cũng khó khăn hơn. Nếu bạn nhận thấy một hạt đậu phộng bị hỏng, hãy vứt bỏ cả bát hoặc túi đậu phộng.
Tốt nhất chỉ nên mua thực phẩm vừa đủ, nấu ăn cũng vừa đủ. Tránh để lâu gây mốc và tránh dư thừa gây lãng phí.
Hạt có vị đắng bất thường
Nếu hạt có vị đắng bất thường có thể là do aflatoxin sinh ra trong quá trình nấm mốc. Ăn thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Nếu chẳng may ăn phải hạt bị mốc, đắng thì bạn hãy nhổ chúng ra ngay lập tức và súc miệng kịp thời.
Bột mè kém chất lượng
Để giảm giá thành loại bột mè và bơ đậu phộng, nhiều đơn vị kinh doanh bất chính thậm chí sử dụng những hạt mè và đậu phộng đã hư hỏng làm nguyên liệu. Các sản phẩm đã qua chế biến này khó nhận biết hơn nhiều so với lạc mốc, nhưng tồn tại một lượng aflatoxin không hề nhỏ, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Dầu thực vật được ép trong điều kiện không đảm bảo
Nếu lạc, ngô dùng để ép dầu bị mốc trong quá trình bảo quản mà không được loại bỏ thì aflatoxin cũng có thể được đưa vào dầu chiết xuất. Có những hạt lạc nhìn bề ngoài bình thường nhưng bên trong đã xuất hiện độc tố aflatoxin.
Tuy nhiên, một số đơn vị sản xuất bất chính thường tối giản các công đoạn để giảm giá thành nên thiếu các bước loại bỏ chất độc hại, không tinh chế được nguyên liệu. Dư lượng kim loại nặng và sự hiện diện của aflatoxin có nguy cơ gây ung thư cao.
Mộc nhĩ ngâm nhiều ngày
Ngâm mộc nhĩ nhiều ngày khiến mộc nhĩ dễ biến chất, sinh ra aflatoxin. Các bác sĩ cho biết, mộc nhĩ không được ngâm quá 8 tiếng nếu không các vi khuẩn sẽ sản sinh gấp nhiều lần.
Làm thế nào để ngăn ngừa ngộ độc aflatoxin?
Bạn nên mua thực phẩm tươi, bảo quản ở nơi thoáng mát, nhiệt độ thấp, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời. Ngoài ra, phải bảo đảm thực phẩm khô, bởi vì ở môi trường ẩm ướt rất dễ sản sinh nấm aspergillus flavus.
Đối với các loại thực phẩm khô như lạc, đậu hay gạo bị mốc, nhiều người thường chủ quan chà sạch mốc, vo rửa kỹ hoặc đem phơi, sấy khô để dùng lại tuy nhiên các chuyên gia lại cảnh báo đây là thói quen vô cùng nguy hiểm.
Các biện pháp vo rửa, chà sát hay phơi sấy chỉ giúp làm sạch nấm mốc, nhưng một khi độc tố aflatoxin từ nấm mốc đã ngấm vào thực phẩm thì những cách làm này không giúp loại bỏ nguy cơ nhiễm độc. Do vậy, cách tốt nhất là hãy loại bỏ những thực phẩm có dấu hiệu mốc và không sử dụng những thực phẩm đã biến đổi màu.