Với chiếc "vòi" dài mọc ra từ đầu, loài côn trùng này khiến nhiều người liên tưởng đến voi. Tên khoa học của chúng là Pyrops candelaria, thường được gọi là vòi voi đầu đỏ. Với hình dáng độc đáo, chúng còn được ví như "voi bay" của Việt Nam.
Loài côn trùng này có thân dài từ 35 đến 42 mm và sải cánh từ 67 đến 75 mm. Với thân hình sặc sỡ, chúng rất dễ nhận diện. Chiếc vòi thực chất là phần miệng kéo dài, giúp chúng hút nhựa cây. Chúng ưa thích nhựa của cây nhãn, cây vải cùng một số loài cây khác.
Vòi voi đầu đỏ chủ yếu tồn tại dưới dạng ấu trùng ở dưới mặt đất, sống nhờ vào các lớp mùn thảm thực vật rừng. Một điều thú vị về loài này là chúng có mối quan hệ họ hàng gần gũi với các loài ve sầu.
Tại Việt Nam, loài côn trùng rực rỡ này thường thấy ở nhiều tỉnh thành miền Bắc như Yên Bái, Cao Bằng, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Lạng Sơn, Lai Châu và Lào Cai. Ngoài ra, chúng cũng cư trú tại nhiều quốc gia khác như Campuchia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, loài côn trùng này được gọi là long nhãn kê (tạm dịch: gà mắt rồng). Tại đây, chúng được xem là một loài gây hại vì hút nhựa cây, làm cây suy dinh dưỡng và thậm chí có thể dẫn đến khô héo. Hơn nữa, chất thải của chúng có thể gây ra nấm mốc, gây bệnh cho cây ăn quả. Tuy nhiên, thay vì sử dụng thuốc trừ sâu để diệt trừ vòi voi đầu đỏ, người dân Trung Quốc lại có một giải pháp khác thú vị hơn - biến chúng thành thực phẩm.
Theo thông tin, vòi voi đầu đỏ cũng có thể được tiêu thụ như nhiều loài côn trùng khác, ví dụ như châu chấu. Chúng chứa nhiều protein và dưỡng chất. Một số người đã từng nếm thử cho biết rằng hương vị của vòi voi đầu đỏ thậm chí còn ngon hơn cả thịt gà. Phương pháp chế biến phổ biến nhất là chiên hoặc nướng.
Ở một số khu vực của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, và Vân Nam, vòi voi đầu đỏ còn được coi là một loại đặc sản đắt đỏ, với giá 1kg dao động từ 600 đến 800 NDT (khoảng 1,9 đến 2,6 triệu đồng).