Cà tím là loại rau củ được người Nhật hết sức ưa chuộng. Người Nhật ăn cà tím thường xuyên, chế biến loại rau củ này thành món ăn thơm ngon, bắt mắt.
Về mặt sinh học, cà tím giống một loại trái cây. Nhưng khi nấu ăn, cà tím được sử dụng như một loại rau. Cà tím chứa nhiều vitamin như vitamin C, K và B6... Nó cũng chứa dồi dào kali, mangan và chất xơ. Cà tím là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nó đặc biệt hữu ích trong việc điều trị bệnh ung thư đại tràng do cà tím chứa một lượng lớn chất xơ hấp thụ độc tố và hóa chất có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư đại tràng.
Thêm vào đó, cà tím chứa nhiều nước và potassium có khả năng kích thích nhịp tim hoạt động tốt. Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời magiê trong cà tím còn chống lại cảm giác bồn chồn, lo lắng và chứng mất ngủ…
Dưới đây là 5 lợi ích tuyệt vời khi chúng ta ăn cà tím thường xuyên:
1. Tốt cho tim mạch
Chất chống oxy hóa trong cà tím đó là anthocyanins, có tác dụng giúp tăng cường chức năng của tim. Nó cũng giúp làm giảm cholesterol “xấu” và hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh, có thể kích thích sự hiện diện của cholesterol HDL “tốt”.
Sự cân bằng của cholesterol trong cơ thể luôn dao động dựa trên thực phẩm chúng ta ăn, nhưng chúng ta càng có nhiều HDL cholesterol thì càng tốt.
2. Nhuận tràng
Vì rất giàu chất xơ nên cà tím có thể cải thiện các chức năng của hệ tiêu hóa bằng cách hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên. Nó cung cấp chất xơ, nước và chất chống oxy hóa để có thể ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm trong hệ tiêu hóa và cũng đồng thời giúp giảm táo bón.
3. Giảm cân
Saponin trong cà tím ngăn ngừa sự tích tụ và hấp thụ chất béo trong cơ thể, do đó, hỗ trợ quá trình giảm cân. Mặc dù hàm lượng chất dinh dưỡng cực kỳ cao, nhưng cà tím lại chứa ít carbohydrate và calo chính vì thế nó phù hợp với chế độ ăn kiêng giảm cân của bạn.
4. Phòng bệnh ung thư
Anthocyanins mang lại màu tím đậm cho cà tím giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư cũng như các vi khuẩn gây bệnh khác.
5. Giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Là một nguồn giàu chất sắt, cà tím làm tăng sản xuất các tế bào hồng cầu trong cơ thể và do đó giúp chống lại bệnh thiếu máu hoặc thiếu sắt, thường gặp ở phụ nữ. Hơn nữa, cà tím cũng giàu đồng, một thành phần thiết yếu để sản xuất các tế bào hồng cầu.
Một số lưu ý khi ăn cà tím
Cà tím tốt nhưng không nên lạm dụng bởi chúng có chứa solanine - chất có thể tác động đến các trung tâm hô hấp, gây ngộ độc nếu ăn nhiều. Cách tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc solanine đó là kiểm soát lượng ăn vào. Nếu mỗi người ăn khoảng 250 gram cà tím/mỗi bữa thì sẽ không gây ra bất kỳ sự khó chịu nào.
Cà tím có tính hàn vì vậy những người yếu mệt hay thể trạng kém cũng không nên ăn nhiều và thường xuyên. Người mắc bệnh thận nên hạn chế, những người hen suyễn, bệnh dạ dày, lá lách không nên ăn. Ngoài ra, nhóm người mắc bệnh dạ dày tránh ăn nhiều cà tím vì thực phẩm này dễ gây ra tiêu chảy nặng.
Do cà tím và cua đều là thực phẩm tính mát nên không nên ăn kèm với nhau. Sự kết hợp giữa 2 món này có thể gây cho người ăn cảm giác lạnh bụng, hại cho dạ dày và sẽ dẫn đến tiêu chảy.