Nghệ sỹ Thanh Hoa vừa là Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, vừa quảng cáo, giới thiệu xin tài trợ, vừa kiêm chỉ đạo trao giải, vừa thu vừa chi tiền tài trợ...
Chính vì vậy, Thành Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn vừa có văn bản gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Lào nêu rõ: Sau khi kết thúc cuộc thi, nghệ sỹ Thanh Hoa đã không có thư cảm ơn tới Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào và Bộ Văn hóa Thông tin, du lịch Lào là sai với thủ tục ngoại giao.
“Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan cũng đã “tố cáo” chị Thanh Hoa sang Thái Lan đi tìm nhà giàu ở Thái Lan mà không thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Thái, Tổng hội người Việt Nam tại Thái, coi thường người nghèo nên không được đồng ý tổ chức” - văn bản số 14-17/HNV của Thành hội Người Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn ghi rõ.
Văn bản cũng nêu rõ: “Chị Thanh Hoa phân biệt đối xử với đoàn Lào. Tại Lào, sau khi sang tiếp tục làm theo kịch bản cũ giống như sang Thái Lan. Theo đó, tại Thái Lan, phía đoàn Thái đã lo toàn bộ chi phí 14.000 USD, đoàn Việt Nam ủng hộ 200-300 triệu đồng, đoàn Lào lo địa điểm tổ chức không thu phí và phương tiện đưa đón đoàn cùng 4.200 USD cùng 10 triệu tiền kíp. Phía chị Thanh Hoa nói khán giả phía đoàn Lào ăn mặc không lịch sự chỉ có khoảng 20 người đến xem ủng hộ và không tôn trọng giải là sai vì thực tế số lượng khán giả Lào đến xem và ủng hộ là hàng nghìn người. Khu trung tâm trước mặt sân khấu thì chị Thanh Hoa bố trí dành riêng cho khán giả Thái Lan trong khi đó đoàn Lào đến ngồi thì chị Thanh Hoa nói bố trí giành riêng cho khán giả Thái Lan”.
“Cách tổ chức phân biệt như vậy chỉ làm cho cộng đồng mất đoàn kết mà không gắn kết được cộng đồng Asean như khẩu hiệu của Ban Tổ chức cuộc thi đề ra. May mới chỉ có 3 nước tham gia chứ nếu 10 nước Asean tham gia thì không biết sao” - Văn bản nêu.
“Ban chấp hành Thành hội người Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn xin báo cáo Đại sứ quán Việt Nam tại Lào được biết về quá trình tổ chức Cuộc thi Liên hoan tiếng hát Việt Nam - Asean năm 2017 để Đại sứ quán có những động thái tiếp theo nhằm ngăn chặn những hoạt động tương tự xảy ra sau này gây bất lợi cho phong trào đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào nói riêng” - Văn bản kiến nghị.
Thậm chí, trước đó, ông Cao Văn San - Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan cũng có văn bản báo cáo về cuộc thi theo đó “Hiệp hội Phát triển Văn hóa và Doanh nhân Việt Nam” đã không tôn trọng Tổng hội người Việt Nam trong đó có Hiệp hội Doanh nhân là chi nhánh, không tôn trọng Hội người Việt Nam toàn Thái cũng như không tôn trọng Việt kiều toàn Thái” - nguyên văn theo văn bản.
Hiện tại, phía ban tổ chức cuộc thi vẫn chưa đưa ra lời giải thích trước những lời tố trên.
Đi ngược lại mục đích ban đầu?
Trong văn bản thông báo về cuộc thi, mục đích, ý nghĩa và “khoe” về Ban tổ chức cuộc thi này gồm nhiều cơ quan ban ngành Việt Nam để thu hút người tham gia và tài trợ, ghi tên tuổi một loạt các cục, vụ, viện lớn mà ngay cả những Hội diễn Nghệ thuật quốc gia hay các sự kiện thi thố trong nước cũng không có đủ thì thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Chỉ có vài người quản lý của Hiệp hội này, mời thêm vài nhạc sĩ, biên đạo múa vào cái gọi là Ban giám khảo, cùng với những văn bản, giấy tờ, dấu đỏ trong tay, những cá nhân thay mặt Hiệp hội bắt đầu đi xin tài trợ.
Bùng nổ mâu thuẫn là khi công bố trao giải, khán giả Việt Kiều phản ứng vì nhận ra việc trao giải cao thấp phụ thuộc nguồn tài trợ.
Ngay cả Tổng hội Thái Lan là nơi có nhiều kiều bào nhận giải cao nhất vẫn phát công văn phản đối cách thức tổ chức có nhiều khuất tất cả về cách làm, cả về tài chính, cả về thái độ của Hiệp hội này.
Một cuộc thi như thế là không thực hiện được chính tiêu chí của nó do Hiệp hội thông báo: Nhằm mục đích tôn vinh giọng hát của người Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự đoàn kết, hợp tác giữa các doanh nhân và người Việt Nam tại các nước ASEAN...
Một cuộc thi như thế, giăng ra tên tuổi nhiều cơ quan quản lý văn hóa, du lịch lớn tại Việt Nam nhưng thực chất chỉ có vài ba người của Hiệp hội xuôi ngược, ngược xuôi, tự tung tự tác thì khác gì “treo đầu dê bán thịt chó”. E rằng, còn có cơ quan giật mình không ngờ mình được “vinh dự” vào Ban tổ chức.
Một cuộc thi như thế, nếu thấy cần thiết, chắc chắn không thể để cho một Hiệp hội như Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nhân Việt Nam tổ chức, thực chất đây chỉ như là một đơn vị tổ chức sự kiện “tư nhân”, nó vừa không đủ sức tổ chức, nó vừa thiếu chuyên nghiệp, nó vừa thể hiện sự dễ dãi của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép.
Một cuộc thi mang dáng dấp quốc tế và liên quan tới nhiều nước không thể có cách tổ chức tùy tiện, luộm thuộm, nó không chỉ gây bất bình cho bà con ta ở nước ngoài thông qua thái độ các Tổng hội, nó còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia nếu cứ tổ chức “hàng xén” thế này.