Lương công chức được tính thế nào khi cải cách tiền lương 2024?

21:47, Thứ hai 20/11/2023

( PHUNUTODAY ) - Cách tính lương công chức khi cải cách tiền lương sẽ thay đổi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.

Bảng lương mới khi cải cách tiền lương của công chức

Khi cải cách tiền lương, lương mới của công chức sẽ được xây dựng theo số tiền cụ thể và được quy định chi tiết tại ba bảng lương dưới đây:

- Một bảng lương chức vụ. Đối tượng được hưởng bảng lương là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do bầu cử hoặc bổ nhiệm trong hệ thống từ trung ương đến cấp xã.

- Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch (áp dụng với công chức) và theo chức danh nghề nghiệp (áp dụng với viên chức) dành cho toàn bộ các đối tượng công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Ngoài ra, với lực lượng vũ trang sẽ có 03 bảng lương mới gồm một bảng lương dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan và hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và một bảng lương dành cho công nhân quốc phòng và công an.

Hiện nay, công chức đang được hưởng các bảng lương ban hành kèm phụ lục Nghị định 204/2004/NĐ-CP gồm: Lương chuyên gia cao cấp; lương chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức).

cai-cach-tien-luong-01

Cách tính lương công chức khi cải cách tiền lương

Cùng với việc ban hành bảng lương mới cho công chức, viên chức thì cải cách tiền lương cũng thay đổi cách tính lương công chức, viên chức.

Cụ thể, theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW, cách tính lương công chức khi cải cách tiền lương theo công thức như sau:

Thu nhập công chức = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (khoản bổ sung, không bao gồm phụ cấp).

Trong đó, lương cơ bản sẽ chiếm khoảng 70%, các khoản phụ cấp sẽ chiếm khoảng 30% và thưởng được bổ sung khoảng 10% không bao gồm phụ cấp. Cụ thể cách tính như sau:

Lương cơ bản của công chức

Khi cải cách tiền lương, lương cơ bản của công chức sẽ được quy định bẳng số tiền cụ thể trong bảng lương mới (cách tính hiện nay là sử dụng mức lương cơ sở và hệ số lương):

- Bảng lương chức vụ:

Thể hiện được thứ bậc: Ai giữ chức vụ nào sẽ hưởng lương của chức vụ đó, ai giữ chức vụ cao hơn thì mức lương chức vụ cũng cao hơn cấp dưới; nếu giữ chức vụ tương đương thì hưởng lương như nhau; nếu giữ nhiều chức vụ thì hưởng mức lương cao nhất.

Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương nhau: Không phân biệt loại Bộ, ngành, ban, ủy ban ở trung ương khi xây dựng bảng lương ở trung ương và tương tự ở các cấp địa phương.

- Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ:

Xếp lương theo nhiều bậc: Cùng mức độ phức tạp thì bằng lương nhau; điều kiện cao hơn hoặc ưu đãi nghề thì được hưởng thêm phụ cấp theo nghề.

Sắp xếp lại các nhóm ngạch và số bậc trong ngạch. Theo thông tin mới nhất được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, khi cải cách sẽ mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12. Tức là mức lương khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68; Mức lương cao nhất tương ứng bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương Bộ trưởng) sẽ được nới rộng từ hệ số 10 lên 12.

Gắn việc bổ nhiệm công chức, viên chức với vị trí việc làm và cơ cấu đã được giao.

Sau khi cải cách tiền lương, từ năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương của công chức tại các bảng lương mới tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm.

Nghĩa là số tiền cụ thể này có thể chỉ áp dụng đến hết năm 2024. Đến năm 2025, lương công chức sẽ tiếp tục tăng thêm hằng năm khoảng 7%/năm nhằm bù trượt giá và cải thiện mức tăng trưởng GDP.

Các khoản phụ cấp của công chức

Sau khi sắp xếp lại các khoảng phụ cấp, công chức sẽ được hưởng 09 loại phụ cấp gồm:

Phụ cấp kiêm nhiệm;

Phụ cấp thâm niên vượt khung;

Phụ cấp khu vực;

Phụ cấp trách nhiệm công việc;

Phụ cấp lưu động;

Phụ cấp ưu đãi theo nghề;

Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, những khoản phụ cấp có tính chất tương đương nhau sẽ được gộp lại như: Ưu đãi nghề, trách nhiệm theo nghề và độc hại, nguy hiểm sẽ được gộp thành phụ cấp theo nghề.

Hay như phụ cấp đặc biệt, thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn cùng áp dụng cho một đối tượng làm việc ở khu vực đó. Bởi vậy, gộp các khoản phụ cấp đó thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, với các khoản phụ cấp đã được quy định trong bảng lương chức vụ như phụ cấp chức vụ lãnh đạo hoặc đã được đưa vào mức lương cơ bản… sẽ bị bãi bỏ. Các khoản phụ cấp còn lại sẽ được giữ nguyên.

Thưởng của công chức

Đây là khoản tiền được bổ sung thêm mà không bao gồm trong cơ cấu thu nhập (không bao gồm trong phụ cấp) của công chức.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền