TAND Huyện Cư M'gar (Đắc Lắc) vừa xét xử lưu động, tuyên phạt bị cáo Hồ Thị Thảo (1982, trú buôn Ea Mdroh, xã Ea Mdroh, H. Cư M'gar) 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Nạn nhân là cháu Nguyễn Duy Hùng Anh (2004), con riêng của chồng Thảo. Đây là vụ án từng khiến dư luận ở Đắc Lắc vô cùng phẫn nộ.
Theo cáo trạng, Nguyễn Duy Hùng Anh là con chung của ông Nguyễn Duy Kháng (1969, buôn Ea Mdroh) và bà Đinh Thị Nhung (1980). Năm 2010, vợ chồng ông Kháng, bà Nhung ly hôn, cháu Anh được mẹ nuôi dưỡng theo quyết định của tòa.
Sau đó, ông Kháng lấy bà Hồ Thị Thảo làm vợ, đồng thời đón cháu Anh về sống chung. Về ở với bố, cháu Anh nhiều lần bị mẹ kế đánh đập; cụ thể: giữa năm 2013, bà Thảo dùng cơ bi-a đánh cháu Anh bị thương.
Xét xử lưu động bà mẹ kế đánh con chồng gây thương tích. |
Đỉnh điểm là ngày 2/4, bà Thảo đánh cháu Anh tại UBND xã, sau đó kéo về nhà tiếp tục hành hạ làm cháu Anh thương tích 6%. Ông Kháng không đồng tình cách làm của vợ thì xảy ra xô xát, bà Thảo còn dùng dao cạo râu rạch nhiều nhát vào tay chồng. Bức xúc trước hành vi bạo hành của bà Thảo với cháu Anh, bà Nhung đã làm đơn yêu cầu khởi tố hình sự.
“Mấy đời bánh đúc có xương”
Tại phiên tòa, bà Nhung nói do hoàn cảnh khó khăn nên đồng ý để chồng cũ đưa con trai về nuôi. Ông Kháng thừa nhận một phần do gia cảnh vợ cũ thiếu thốn, bản thân cũng muốn tình cảm giữa mẹ kế, con chồng thắt chặt hơn nên đưa cháu Anh về ở cùng.
Về phần mình, bị cáo Thảo thừa nhận cháu Anh ngoan và cho rằng con riêng của chồng cũng giống như con ruột nên muốn cháu Anh về ở để sau này cháu lớn lên sẽ nghĩ mẹ kế tốt hơn. Nhưng...
Bị cáo thuật lại, bản thân đã 2 lần đánh cháu Anh: lần 1 là vào giữa năm 2013, dùng cơ bi-a đánh nhẹ cháu Anh tại quán bi-a trong xã. Lần thứ 2 đánh tại nhà vào ngày 2/4, gây thương tích cho con riêng của chồng.
“Bị cáo ở nhà trông quán thì nghe tin bạn học nói cháu Anh trong giờ ra chơi đã đến UBND xã hái vú sữa ăn. Do sợ cháu đi qua đường bị xe tông, leo cây bị ngã nên bực tức, không kiềm chế được nên tìm đến UBND xã dùng cây khô đánh. Bị cáo đưa cháu Anh về nhà rồi tiếp tục dùng cây tre đánh tiếp”- Thảo khai trước tòa.
HĐXX hỏi: “Bị cáo nói cháu Anh ngoan, sao lại đánh?” - “Do bị cáo tức giận, không kiềm chế được hành động của mình nên đánh cháu Anh. Bị cáo biết hành động của mình là sai, trái với quy định của pháp luật. Bị cáo ăn năn, hối lỗi...”.
Cận cảnh vết thương của cháu Hùng Anh do mẹ kế gây ra. |
HĐXX truy tiếp bị cáo Thảo về ý thức trong hành động đánh cháu Anh. Bị cáo Thảo thừa nhận, khi đánh cháu Anh, bản thân chỉ đánh nhè nhẹ (?), không biết cháu Anh bị thương tích như thế nào. Chỉ biết khi xem hình ảnh người dân chụp vết thương, rồi hình ảnh cháu Anh đăng trên báo thì mới biết cháu bị nặng như thế.
Hình ảnh những vết thương của cháu Anh do mẹ kế gây ra được mang đến toà. |
Rất đông người dự khán phiên tòa khi ghe bị cáo Thảo khai “đánh nhè nhẹ” đã bày tỏ sự bức xúc và trưng ra những tấm ảnh chụp cháu Anh với nhiều vết bầm tím khắp người do bị mẹ kế đánh vào hôm 2/4. Cũng tại tòa, mặc dù nói đã rất hối hận sau khi đánh cháu Anh nhưng bị cáo Thảo cũng thừa nhận, từ khi cháu Anh nhập viện, Thảo chưa trực tiếp gặp cháu Anh để hỏi thăm sức khỏe của cháu.
Con trai nói bị đánh thường xuyên, bố bảo ít
Tại tòa, cháu Anh cho rằng lời khai của mẹ kế nói 2 lần đánh mình là không đúng. Theo cháu Anh, mẹ kế thường xuyên đánh mình, có lúc dùng tay cú vào đầu. Trong lần mẹ kế dùng cơ bi-a đánh, cháu Anh bị mẹ kế “đe” không được nói với ai nếu không: “đập chết bây giờ”.
Đối đáp lại lời tố của cháu Anh, bị cáo Thảo nói: “Bị cáo có răn đe, la mắng. Việc đánh đập cháu Anh thường xuyên là không có”. Cũng về vấn đề này, ông Kháng cũng cho rằng cháu Anh nói bị mẹ kế đánh thường xuyên là không có cơ sở.
Bản thân ông Kháng ngoài việc thấy vợ đánh cháu Anh ở quán bi-a thì còn chứng kiến vợ đánh cháu Anh 1- 2 lần nữa, tất cả do cháu Anh nghịch. Ông Kháng nêu lý lẽ, nếu đánh thường xuyên, tại sao những ngày thứ bảy, chủ nhật, lúc ông ở nhà thì không thấy cháu Anh bị vợ đánh (?).
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Tích, một nhân chứng trong vụ án, khai bà không có quan hệ gì với bị cáo, cũng như bị hại của vụ án và cho biết thi thoảng bà thấy bị cáo Thảo đánh cháu Anh, cứ nghĩ đánh để giáo dục.
Cận cảnh người mẹ kế đánh dã man con chồng gây thương tích. |
Nhưng khoảng từ Tết 2014 trở lại đây, thấy cháu Anh hay mang bánh mỳ, bánh kẹo qua trường bán và cũng hay than vãn, khóc lóc chuyện bị mẹ đánh. Cháu Anh cũng kể với bà Tích chuyện đang ăn cơm bị mẹ kế giật bát cơm đổ đi. Bà Tích nghe thế thương tình, hỏi số điện thoại mẹ ruột của Anh (bà Nhung) để điện báo nhưng cháu Anh lại nói không có vì đã bị mẹ kế xóa số rồi.
Về lời khai của con trai, bà Nhung, mẹ ruột của cháu Anh cho rằng, trong vụ cháu Anh bị đánh thương tích nhiều năm mà ông Kháng nói không có, liệu bố ruột có tiếp tay cho mẹ kể đánh con riêng không?
Vấn đề này, ông Kháng cho biết, bản thân làm việc hành chính Nhà nước nên ít thời gian ở nhà. Lúc ở nhà, ông hay ở với cháu Anh nhưng không thấy cháu nói chuyện bị đánh. Có lần biết cháu Anh bị vợ (bị cáo Thảo) đánh bằng cơ bi-a ông cũng đã can ngăn, phân tích cho vợ hiểu dạy con bằng cách đánh đập là không đúng.
Ông Kháng cũng thừa nhận vụ việc xảy ra bản thân rất buồn, đồng thời nhận trách nhiệm chưa khuyên bảo được vợ nên dẫn đến vụ việc.