Ám ảnh chồng vũ phu bắt vợ ăn phân, đánh con què

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- "Anh ấy đi uống rượu về, chẳng nói chằng rằng cầm sợi dây trói tôi vào chân giường và lấy phân nhét vào miệng, cầm thắt lưng quật vào mặt..."

Chị N.T.S, 38 tuổi (Gia Lâm – Hà Nội) là một trong những nạn nhận của bạo lực gia đình. Suốt gần 10 năm qua, chị luôn phải gánh chịu những trận đòn nhừ tử của người chồng vũ phu. Đã bao lần gãy tay, gãy chân, thậm chí là bị rạch mặt từ những lần bị chồng trói đánh. Nhìn chị gầy gò, xanh xao, trên khuôn măt hằn lên những vết sẹo đã lồi trắng như một cái xác vô hồn. Chị càng đau đớn xé lòng hơn khi nhìn những đứa con bị cha đánh. Đứa thì què chân, đứa thì rụng hết tóc, đứa thì còi xương, trên cơ thể của chúng vẫn còn bầm tím vết lằn bị roi quất.

Năm 1998, chị S được một người họ hàng giới thiệu đến với anh H, chỉ sau 3 tháng tìm hiểu, chị và anh H nên vợ nên chồng về Gia Lâm – Hà Nội sinh sống. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ với bao nhiều niềm hạnh phúc, anh H chăm chỉ làm việc kiếm tiền bằng nghề bốc vác tại một xưởng xí nghiệp, chị S cũng mở một quán nước ven đường để kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải cho cuộc sống gia đình. Niềm hạnh phúc được nhân đôi khi vợ chồng chị sinh đứa con gái đầu lòng, gia đình chị có thêm niềm vui và cũng càng cố gắng làm việc để lo cho cuộc sống của một gia đình nhỏ.

Bạo hành gia gia đình - nỗi khiếp sợ của người phụ nữ. 

Năm 2000 chị S sinh thêm một bé gái, thêm thành viên, anh H và chị S tất bật làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền, từ việc bốc vác, bán nước, nhặt ve chai đến việc chạy xe ôm đêm cũng đủ phần nào để gia đình chị lo cho hai đứa nhỏ. Cuộc sống của anh chị cứ thế qua đi trong sự yên bình và vui vẻ.

Tưởng rằng niềm hạnh phúc giản dị đó sẽ được giữ mãi nhưng đến năm 2003, chị S sinh thêm bé thứ ba là gái, anh H đã thay đổi hoàn toàn. Từ một người chồng, người cha thương vợ, thương con, chăm chỉ làm việc, anh “biến” thành một ông chồng vũ phu. Khi bé thứ ba chào đời, anh đã tuyên bố từ con và ra tay đánh đập mẹ con chị S một cách dã man.

Chị S kể: “Trước đây anh ấy là người hiền lành, chăm chỉ, thương vợ con và hòa đồng với hàng xóm, nhưng từ khi tôi sinh cháu L.A thì anh ấy trở chứng, trở nết, khùng tính. Anh ấy từ con và đánh đập tôi. Mỗi lần tôi cho con bú thì anh ấy lao vào túm tóc lôi vào xó nhà để đánh, không cho con bú. Tôi phải đợi khi nào anh ấy ngủ thì mới cho con bú được, có đời nào cho con bú mà phải lén lút không. Thế nên giờ con bé nó mới còi cọc thế đấy. Đứa đầu và đứa thứ hai thì liên tục bị bố nó đánh, lúc thì cầm thắt lưng, cầm dây xích, lúc thì bạ cái gì thì cầm cái đó mà quất té tấp vào người đến chảy cả máu”. Chị S ngừng câu chuyện và khóc nấc trong dòng nước mắt chảy dài. Nhìn vào đôi mắt đỏ hoe và gò má đã chai bởi những vết sẹo của chị mà thấy đau lòng.

Hỏi chị vì sao bé thứ hai đi đứng không vững, chị gạt nước mắt và kể: “Hôm đó tôi đi chợ, ở nhà có mỗi bố nó và ba chị em, khi về thì tôi đã thấy con bé nằm co quắp trong xó bếp. Dìu nó đứng dậy mà không nổi, tôi phải nhờ bác hàng xóm bế nó ra trạm y tế để băng bó. Sau đó, con bé bị què chân phải, đi đứng không vững nữa. Sau hỏi thì con bé mới kể lại là bố nó dùng dây xích quất liên tiếp vào chân chỉ vì nó làm vỡ cái bát. Còn đứa thứ hai thì tóc không còn một cọng vì bố nó mỗi lần đánh là giật tóc rồi lấy dao chặt hết tóc, con bé không bao giờ dám ra ngoài đường vì xấu hổ”.

Nói đến đây, chị S òa khóc. Chị dằn vặt bản thân mình vì đã không che chở được cho con, không biết làm gì để ngăn cản sự dã thú của một người chồng vũ phu, người bố tàn độc.

Lặng một thời gian, đợi chị trấn tĩnh lại tinh thần, tôi gợi hỏi về việc bạo hành của chồng đối với chị. Dường như đã chịu đựng tất cả, đã chai sạn với việc đánh đập của chồng, chị trải lòng với những câu chuyện mà khi nghe đến, ai cũng phải rùng mình.

Chị đan tay vào nhau, di chuyển từng ngón tay và kể: “Mỗi ngày, tôi phải chịu 1– 2 trận đòn, không vì lý do gì, anh ấy cứ thấy chướng mắt là lại túm tóc giật và dùng tay đấm liên hồi vào mặt, vào bụng. Vừa đánh vừa chửi tôi không biết đẻ con trai, chỉ biết đẻ vịt trời. Có hôm đang ăn cơm, chỉ vì canh nhạt mà anh ấy cầm cả nồi canh nóng dội vào đầu tôi, đá liên hồi vào người, lần ấy tôi phải đi cấp cứu và nằm viện một tuần.

Vụ đánh mà tôi bị ám ảnh nhất là vào năm 2006, khi anh ấy đi uống rượu về, chẳng nói chằng rằng cầm sợi dây trói tôi vào chân giường và lấy phân nhét vào miệng, cầm thắt lưng quật vào mặt, giờ vết sẹo in nổi lên trên mặt tôi đây”. Dứt lời, chị S im lặng nhìn về phía các con rồi đảo mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Có lẽ, trong chị đang suy nghĩ nhiều về tương lai những đứa con của mình, chúng đã phải lớn lên trong một tuổi thơ quá dữ dội.

Giờ đây, chị S và 3 người con gái của mình đã không còn chịu cảnh bạo hành gia đình nữa, vì chồng chị đã ra đi biệt xứ. Nhưng có lẽ trong trái tim của chị và trong trí óc của những đứa trẻ sẽ khó phai đi những ám ảnh của một thời gian bị bạo hành.

Dù xã hội đã thay đổi, đã văn minh hơn, nhưng có lẽ cái tư tưởng cổ hủ, lạc hậu có “thằng chống gậy” của một số ông chồng không hề thay đổi. Cái tư duy cổ hủ, bạc màu đó, đến nay vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều ông chồng. Và thật không may cho những người phụ nữ nào làm vợ của người chồng thú tính, bị giày vò trên cả thể xác lẫn tinh thần.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn