Chữa đau bụng kinh với biểu hiện: Đau bụng dưới âm ỉ sau khi hành kinh, xoa bóp thì đỡ, người mệt mỏi, lượng kinh ít, màu kinh nhợt. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân là do mất điều hòa khí huyết, khí huyết bị cản trở lưu thông, ứ tắc gây đau. Xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc có tác dụng hiệu quả làm giảm triệu chứng khó chịu này.
Canh gà ác
Bài 1: Thịt dê 500g, đương quy 90g, gừng tươi 150g.
Cách làm: Thịt dê rửa sạch, lọc bỏ màng mỡ, dùng nước nóng rửa sạch huyết đọng, thái miếng; Đương quy, gừng tươi rửa sạch, thái lát. Cho tất cả vào nồi thêm nước xâm xấp, đun sôi sau đó đun nhỏ lửa đến khi thịt dê chín nhừ, thêm gia vị, ăn thịt, uống nước hầm. Ăn ngày 1 lần, ăn liền 3 ngày trước kỳ kinh.
Bài 2: Gà ác 1 con khoảng 1kg, hoàng kỳ 100g.
Cách làm: Gà ác làm sạch, bỏ nội tạng; Hoàng kỳ rửa sạch, thái lát, nhồi vào bụng gà. Cho gà vào nồi, thêm 1 lít nước, đun sôi sau đó để nhỏ lửa hầm tới khi gà chín nhừ, thêm gia vị, ăn thịt gà, uống nước thuốc. Ăn ngày 1 lần, ăn liền 3 ngày trước kỳ kinh.
Bài 3: Gà ác 1 con (khoảng 500g), trần bì 3g, gừng tươi 3g, hạt tiêu 6g, bột gia vị vừa đủ.
Gà ác làm sạch, bỏ nội tạng, ướp gia vị. Cho trần bì, gừng, hạt tiêu vào bụng gà đem hầm nhừ. Ăn thịt gà và uống nước canh, ngày ăn 1 lần. Ăn trong 2 - 3 ngày trước kỳ kinh.
Chữa đau bụng kinh với biểu hiện: Đau tức bụng dưới trước và trong kỳ kinh, lượng kinh ít, sắc kinh đỏ tím sẫm, đôi khi có máu bầm đen:
Trứng gà ngải cứu.
Bài 1: Lá ngải cứu loại bánh tẻ 20g, gừng tươi 15g, trứng gà 2 quả.
Cách làm: Ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ; gừng tươi rửa sạch, đập giập. Cho tất cả vào nồi, thêm 300ml nước luộc cho trứng chín, bóc vỏ trứng, sau đó lại cho vào đun tiếp với nước thuốc. Ăn ngày 1 lần, ăn liền 3 - 5 ngày trước kỳ kinh.
Bài 2: Trứng gà 2 quả, lá ngải cứu 150g, gừng 3g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Lá ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ, gừng giã nhỏ. Đập trứng vào bát, cho ngải cứu, bột gia vị, gừng quấy đều đem xào bằng dầu thực vật. Ăn ngày 1 lần, ăn liền 3 ngày trước kỳ kinh.
Lưu ý: Trước và trong kỳ kinh nguyệt nên ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, ăn nhiều rau, của, quả. Tránh ăn thức ăn tái, sống, nhiều gia vị, thực phẩm ướp lạnh, cà phê, chè đặc...