Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ 2 ngày 14/6/2021. Các gia đình có thể sửa soạn mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ và thực hiện nghi lễ từ 11h trưa đến 1h chiều. Lý tưởng nhất là cúng vào giờ chính Ngọ (12 giờ trưa) ngày 5/5 âm lịch.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ không yêu cầu quá nhiều, tùy vào từng địa phương mà mâm cỗ sẽ có phần khác nhau.
Mâm lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch
1 lọ hoa tươi (hoặc đĩa hoa chùm thập cẩm); vàng mã, hương; 3 hoặc 5 chén nước sạch; rượu nếp; 1 đĩa hoa quả tươi (thường là hoa quả theo mùa như vải, đào, mận, xoài, dưa hấu...); 1 đĩa bánh tro hoặc bánh ú; 1 bát rượu nếp; 1 đĩa xôi; chè trôi nước (3 hoặc 5/7/9 bát); nến (đèn cầy).
Tùy vào từng địa phương mà lễ vật sẽ khác nhau. Chẳng hạn người miền Bắc và miền Trung hay cúng bánh tro, trong khi đó người miền Nam hay cúng chè trôi nước. Cơm rượu nếp là món không thể thiếu trên mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ.
Mâm cỗ mặn cúng Tết Đoan Ngọ
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, một số gia đình chuẩn bị cả mâm cỗ mặn để dâng lên tổ tiên. Đây là việc được thực hiện tùy vào điều kiện mỗi gia đình. Tuy nhiên, thông thường mâm cỗ mặn sẽ có: 1 đĩa thịt vịt, 1 bát tiết canh vịt, 1 đĩa giò, 1 bát canh, 1 đĩa xào.
Người niềm Nam thường cúng thịt heo quay, thịt vịt quay; trong khi đó, người miền Bắc thường cúng thịt vịt luộc. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình mà số món mặn được chuẩn bị cho phù hợp.
Mâm cỗ chay cúng Tết Đoan Ngọ
Ngoài ra, gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Tết Đoan Ngọ với các món như rau củ luộc, giò chay, chả chay, món xào chay, bát canh rau củ chay.
Những món không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ
Rượu nếp
Đây là món không thể thiếu trong ngày 5/5 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, ăn cơm rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ giúp thanh lọc cơ thể, đẩy lùi mầm bệnh. Vì vậy, các thành viên trong gia đình, sau khi vệ sinh cá nhân buổi sáng sẽ cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp.
Thịt vịt
Thịt vịt là món được ưa chuộng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Người xưa quan niệm ngày 5/5 âm lịch phải ăn những món có tác "diệt sâu bọ", chữa bệnh. Trong khi đó, thịt vịt tính mát, tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương, rất tốt cho cơ thể nên được lựa chọn làm món ăn dành cho ngày này.
Banh tro
Người xưa cho rằng ăn bánh tro vào ngày Tết Đoan Ngọ thì bệnh tật sẽ tiêu tan, sâu bọ phá hoại hoa màu, cây trồng cũng bị tiêu diệt. Vào mùa hè nóng bức, dễ sinh bệnh, ăn các món dễ tiêu như bánh tro rất tốt cho sức khỏe.
Trái cây tươi
Đây là món luôn xuất hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ. Thông thường, người ta sẽ dâng lên tổ tiên những loại quả đang vào chính vụ như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài...
Chè trôi nước
Đây là món hay xuất hiện trong mâm cỗ cúng của người miền Nam. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp, bên trong có nhân màu xanh ăn cùng nước cốt dừa, gần giống với món tránh trôi của người miền Bắc.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.