Số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong quý I-2022 tăng 124%, số tiền chi trả tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2021; mức hưởng bình quân một người bị ốm đau do mắc Covid-19 là hơn 1,5 triệu đồng; thời gian hưởng bình quân là 8,5 ngày.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tiếp nhận các hồ sơ giấy tờ để giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 theo đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế.
Về giải quyết vướng mắc trong hồ sơ hưởng BHXH đối với người lao động mắc Covid-19 điều trị tại nhà, ngày 2-3, Bộ Y tế đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 279/TTr-BYT về việc giải quyết cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động mắc Covid-19 và đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
BHXH Việt Nam đã có Công văn số 719/BHXH/CSXH ngày 23-3, chỉ đạo Giám đốc BHXH các địa phương bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với người lao động bị mắc Covid-19 có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.
Trong thời gian tới, khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định mới về hồ sơ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19, cơ quan BHXH sẽ tổ chức ngay việc tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động theo quy định mới này.
Để công tác triển khai đạt hiệu quả tốt, BHXH Việt Nam đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích người lao động nhận chế độ BHXH trực tiếp qua tài khoản cá nhân của người lao động để việc giải quyết và thụ hưởng chính sách được minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện.
Theo quy định hiện hành, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện. Song người lao động khi mắc Covid-19 phần lớn chỉ được cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly, điều trị do chính quyền địa phương hoặc Trạm y tế xã, phường cấp. Các loại giấy này không đúng mẫu với quy định của Bộ Y tế, khiến cơ quan Bảo hiểm xã hội không thể thanh toán chế độ cho người lao động.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này chỉ tổ chức thực hiện chính sách chứ không có thẩm quyền quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục. Nếu dùng những giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ thì khi cơ quan thanh tra, kiểm tra, buộc phải thu hồi số tiền đã chi, chứ không phải "muốn gây khó dễ cho người dân".
Việc gỡ vướng quyền lợi cho F0 điều trị tại nhà kéo dài gần một năm qua, từ tháng 6/2021 sau đợt dịch bùng phát ở Bắc Giang. Bảo hiểm xã hội tỉnh này phản ánh việc các bệnh viện dã chiến chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị cho F0, không đúng mẫu nên không thể thanh toán chế độ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế việc về chấp nhận giấy này để thanh toán, bởi hồ sơ đều thể hiện người lao động phải nghỉ việc điều trị Covid-19, đỡ phát sinh thủ tục hành chính và giảm tải cho y tế cơ sở. Song ngành y tế phản hồi "thực hiện theo quy định hiện hành".
Đầu tháng 3, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ làm căn cứ cho lao động là F0 điều trị tại nhà, bệnh viện dã chiến được hưởng quyền lợi, hoặc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế công nhận các loại giấy tờ trên, quy định mẫu, thẩm quyền cấp vào Thông tư 56 sửa đổi. Giữa tháng 3, sau khi nhận ý kiến từ các bộ ngành, Bộ Y tế tiếp tục dự thảo đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ trên.
Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, cả nước ghi nhận thêm hơn 8,6 triệu ca nhiễm, phần lớn là F0 triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Nhiều người có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để nhận trợ cấp.