Một phụ nữ được quyền giữ tinh trùng của chồng quá cố

10:31, Chủ nhật 09/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tòa án tối cao Anh quốc vừa chấp nhận cho phép một phụ nữ được tiếp tục giữ tinh trùng của người chồng, thay vì phải hủy đi sau 3 năm ông này qua đời.

Ông Warren Brewer, một huấn luyện viên môn trượt tuyết, qua đời hồi tháng 2/2012, khi mới 32 tuổi. Vào tháng 4/2005, Brewer đưa tinh trùng của mình vào ngân hàng lưu giữ trước khi bắt đầu xạ trị khối u não, một phác đồ y khoa có nguy cơ gây vô sinh. Luật Anh quốc cho phép tinh trùng và trứng có thể lưu giữ đến 55 năm.

Tuy vậy, trước khi qua đời, Brewer không để lại giấy ủy quyền cho vợ, cô Beth Warren, nay 28 tuổi, người đã lấy tên chồng làm họ của mình. Vì vậy, Cơ quan quản lý phôi và thụ tinh người (HFEA) ra quyết định giới hạn thời gian giữ tinh trùng của ông Brewer là 3 năm tính từ khi ông này qua đời. Nghĩa là tinh trùng ông Brewer sẽ bị hủy vào đầu năm 2015.

Beth Warren đưa đơn kiện lên tòa án tối cao, đòi tinh trùng của chồng phải được lưu giữ đến thời hạn tối đa là tháng 4/2060 như luật quy định. Warren lập luận rằng cô không sẵn sàng cho việc đi bước nữa, nên cần tinh trùng của người chồng quá cố để có thể có con khi nào cô muốn.

Anh Brewer Warren và cô Beth Warren. Ảnh: PA

Trong bản phán quyết hôm 6/3 ở London, nữ thẩm phán Mary Hogg nói rằng: “Tôi thấy bằng lòng với ước nguyện của ông Brewer là bà Warren nên được cơ hội sử dụng tinh trùng sau khi ông ấy qua đời để có một hoặc vài đứa con với ông ấy nếu cô ta muốn”. Bà Hogg cũng chỉ ra rằng ông Brewer đã từng ghi tên bà Warren là người bạn đời của ông và cũng nói rõ là muốn bà ấy sử dụng tinh trùng của ông sau khi ông chết. Vì vậy, thẩm phán Hogg chấp thuận kháng nghị của Warren. Tuy nhiên, bà Hogg chỉ cho phép kéo thời hạn lưu tinh trùng “ít nhất là đến tháng 4/2023”, còn thời hạn đến tháng 4/2060 thì tùy vào các xem xét và sửa đổi quy trình định kỳ của luật pháp.

Phán quyết này khiến Warren vỡ òa vui sướng: “Anh ấy là cả cuộc đời tôi. Tôi biết chúng tôi đã không có cuộc sống như mong đợi, nên chúng tôi đã có kế hoạch này. Bây giờ tôi có thể tiếp tục cuộc sống với điều tôi muốn, với cơ hội mà anh ấy để lại cho tôi”.

HFEA nói rằng họ cũng muốn tìm cách để cô Warren được giữ tinh trùng lâu hơn mà không tạo ra một tiền lệ khó xử. “Bởi vì ngay trong bản phán quyết cũng thừa nhận là thiếu một văn bản chấp thuận của chủ nhân về việc lưu tinh trùng quá thời hạn 2015, nên phán quyết có thể dẫn đến những hệ lụy đối với các trường hợp khác mà ý nguyện của chủ tinh trùng không rõ ràng”, HFEA lập luận. Chưa rõ cơ quan này có kháng án hay không.

Sự việc tương tự đã từng xảy ra tại Việt Nam. Cuối tháng 12/2013, lần đầu tại Việt Nam hai bé sinh đôi chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã chết cách đó 3 năm.

Hai bé trai sinh đôi chào đời ngày 9/12/2013 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nặng 2,4 kg và 2,9 kg. Mẹ hai bé là chị Kim Dung, 33 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội.

Tiến sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - người thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm hy hữu này kể lại, tháng 3/2010, ông nhận được điện thoại của chị Dung muốn trữ tinh trùng của chồng, khi đó anh khoảng 27 tuổi, đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Nghĩ làm được nên ông cùng đồng nghiệp đến nhà xác Bệnh viện huyện Thanh Trì mở bìu lấy tinh hoàn phải. Sau đó ông đem cắt thành 14 mẫu mô, kiểm tra vẫn thấy tinh trùng sống nên bỏ vào đông lạnh lưu trữ. Người chồng chết trước đó khoảng 6 giờ.

Theo chị Dung, hai vợ chồng chị yêu nhau từ năm 2002, nhưng đến 2009 mới cưới vì sau đó chị đi du học ở Pháp. Đến tháng 9/2009 chị sinh bé gái đầu lòng. Tại họa bất ngờ đổ ập xuống gia đình khi anh đột ngột qua đời vì tai nạn tàu hỏa, khi đó cô con gái mới được 6 tháng.

“Lúc đi du học mình đọc thông tin về việc trữ tinh trùng của người đã chết. Vì thế lúc chồng đột ngột qua đời mình nghĩ ngay đến việc này. Sau một hồi hỏi han bạn bè, đến bệnh viện mình hỏi được số điện thoại của bác sĩ Vệ để nhờ giúp đỡ. Bác sĩ nhận lời giúp với điều kiện là có công an chứng kiến”, chị Dung kể lại.

Tiến sĩ Vệ thăm ba mẹ con chị Dung sau khi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. 

Theo tiến sĩ Vệ, trường hợp sinh con của chị Dung về mặt kỹ thuật không có gì khó. Tuy nhiên, đây là ca đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam có trẻ được sinh ra nhờ tinh trùng được lấy từ người bố đã chết.

“Tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30%, còn một lần đạt kết quả ngay thì cũng phải do may mắn. Tôi cũng nín thở từng phút chờ đến ngày sinh. Bệnh viện đã tự bỏ tiền làm xét nghiệm ADN của mẹ, hai bé và của chồng đã chết và kết luận đây là con của hai vợ chồng”, tiến sĩ Vệ nói.

Theo một chuyên gia về gene, đây thực sự là thành tựu của y học. Tuy nhiên, để khẳng định chính xác hai trẻ có đúng là con của người đã mất hay không thì cần làm xét nghiệm ADN của hai bé với bà nội hoặc anh (chị) em ruột của người đã mất.

Còn theo một bác sĩ sản phụ khoa lâu năm tại Hà Nội, về mặt khoa học, một người đã mất 6 tiếng, nhất là được bảo quản lạnh thì tinh trùng vẫn có thể sống. Với kỹ thuật hiện tại của y học Việt Nam thì có thể làm được những ca sinh nở như thế. Tuy nhiên, pháp luật hiện chưa quy định về việc này, hiện chỉ cho phép lưu trữ tinh trùng để dùng cho những trường hợp bị vô sinh, hiếm muộn; được sự đồng ý của người cho. Còn như trường hợp trên việc lấy tinh trùng lưu trữ không có sự đồng ý của người cho.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Đông