Mùng 1 hàng tháng: Những điều cần biết để tránh điều không hay theo quan niệm dân gian

( PHUNUTODAY ) - Theo quan điểm dân gian, ngày mùng 1 đầu tháng sẽ là ngày quyết định may rủi của tháng đó nên trong ngày này những điều được cho là xấu, mang lại vận đen sẽ được kiêng kị nhằm mong ước một tháng thuận hòa, xuôi chèo mát mái.

1. Kiêng vay mượn tiền, xuất tiền của vào mùng 1

Mọi người thường có quan niệm rằng đầu tháng làm gì thì cả tháng sẽ phải làm như thế. Có nghĩa là, nếu họ cho vay tiền, mượn tiền hoặc tiêu một khoản tiền lớn thì cả tháng họ cũng sẽ như thế và đó là dấu hiệu của việc không gặp may mắn về đường tiền của.

Tất nhiên, xuất tiền hay vay mượn tiền đầu tháng là việc nên tránh, nhưng những gì cần tiêu chúng ta vẫn phải tiêu, chỉ là tránh hoang phí nhất thời để đảm bảo "có kiêng có lành".

2. Kiêng kì kèo giá cả rồi không mua

Đối với những người buôn bán, ngày đầu tháng luôn là ngày vô cùng quan trọng. Họ sẽ thắp hương, khấn vái với mong muốn gặp được may mắn trong cả tháng. Ngoài ra, họ cũng đặc biệt chú ý, quan tâm đến người "mở hàng". Họ rất kiêng những người đã ngã giá định mua nhưng rồi lại không mua nữa. Người buôn bán quan niệm rằng nếu họ gặp những khách hàng như thế thì cả tháng họ sẽ gặp "dông". Sẽ rất may nếu cả hai người cởi mở, thuận mua vừa bán.

nhung-dieu-kieng-ki-ngay-mung-1-2 phunutoday

 

Để xua đuổi sự xúi quẩy này người bán hàng sẽ phải "đốt vía" bằng cách vơ vội nắm rác hay que đóm, tờ giấy... quanh đó rồi châm lửa đốt ngay trước mặt người mua hàng vô duyên đó. Điều này cũng được chú ý ngay cả buổi sáng - khi mà người bán hàng "mở hàng".

3. Kiêng quan hệ nam nữ ngày đầu tháng

Trong ngày Tết, mùng 1, ngày rằm, người phương Đông có quan niệm kiêng khem, tránh việc gần gũi nam nữ. Bởi lẽ, theo quan niệm cổ xưa, việc quan hệ nam nữ vào những ngày này sẽ dẫn đến những điều vận hạn đen đủi, không may mắn, thậm chí là đại hạn.

4. Kiêng cắt tóc, cắt móng tay ngày mùng 1

Theo quan điểm tâm linh của người Việt, cắt tóc hay móng tay, móng chân vào ngày mùng 1 đầu tháng sẽ đem lại sự xui xẻo. Bởi tóc hay móng tay, móng chân là bộ phận của con người, không nên cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong những ngày đầu tháng, đầu năm.

5. Kiêng cho lửa, nước trong ngày mùng 1

Ngày mùng 1, người ta tuyệt đối kiêng kỵ việc đi xin lửa hoặc người khác đến xin lửa nhà mình. Bởi trong văn hóa dân gian, lửa tượng trưng cho điềm tốt, điều may mắn, vận đỏ. Vì thế đem điềm tốt đi cho người khác trong ngay mùng 1 thì cả tháng trong nhà sẽ gặp những điều không may, làm ăn thua lỗ, ra đường gặp tai bay vạ gió.

Tương tự, nước được ví như nguồn tài lộc, dân gian đã có câu chúc “tiền vào như nước” vì thế ngày đầu tháng mà đem nước đi cho thì coi như mất lộc.

6. Mùng 1 kiêng ăn một số món

Mọi người cho rằng nếu ăn thịt chó, thịt vịt, mực hay xôi trắng vào ngày mùng 1, họ sẽ bị hãm tài, gặp những điều không may mắn, mất tiền, mất của, việc không thành, gặp bệnh cũng lâu khỏi.

Người dân miền Trung còn kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt trong ngày đầu tháng. Họ cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp vận xui. Thậm chí một số vùng còn không ăn tôm vì sợ đi giật lùi như tôm. Dù không có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ điều này nhưng từ trước đến nay hầu hết người Việt Nam cũng "tự biết" kiêng kỵ.

7. Kiêng đi thăm phụ nữ mới sinh

Những ngày đầu tháng ông bà ta thường kiêng đi thăm gái để bởi quan niệm "sinh dữ tử lành". Cụ thể, với những người buôn bán, làm ăn, việc đi thăm hoặc gặp bà đẻ sẽ khiến vận may trong công việc của họ không còn nữa. Họ thường sẽ chờ đến giữa hoặc cuối tháng mới đến thăm.

Đối với những người có bầu: Các cụ cho rằng, nếu bà bầu đi thăm bà đẻ thì con sẽ ganh nhau (em bé của bà đẻ và em bé trong bụng của bà bầu), rồi đến lúc bà bầu đẻ con ra sẽ khó nuôi.

Thực ra, dân gian kiêng đi thăm gái đẻ trong vòng một tháng đầu không hoàn toàn là do mê tín. Trong vòng tháng đầu, cả mẹ lẫn bé đều đang rất mệt mỏi, cần ngủ nhiều, cần được yên tĩnh và sạch sẽ. Nếu người đến thăm nhiều, ồn ã, bụi bặm sẽ nhiễm vào mẹ và bé, ngay cả nếu như khách bị cảm cúm, bệnh tật, sẽ càng nguy hiểm hơn.

8. Kiêng nói những điều xui, tranh cãi, bất hòa

Những phát ngôn ngày đầu tháng sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong tháng đó. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “Chết mất” hay "Tiêu rồi”, "Hỏng rồi”. Đó là những từ không may mắn, thay vào đó bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.

Vào những đầu tháng, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí cả tháng luôn vui vẻ, hòa thuận.

9. Không làm đổ vỡ đồ dùng

Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kị.

nhung-dieu-kieng-ki-ngay-mung-1-1 phunutoday

 

Việc kiêng kỵ cho đến nay vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được nhưng những điều thế này luôn thuộc về thế giới tâm linh, ai tin thì sẽ theo, còn ai không tin thì cứ hành động một cách bình thường.

Chuyên gia tư vấn Hoàng Dương Bình chia sẻ trên báo tâm sự gia đình: Chuyện kiêng ăn thịt chó, thịt vịt mùng 1, hôm rằm

Thắc mắc của bạn cũng liên quan đến lệ truyền và nỗi lo âu sâu kín vì không biết thực hư, cụ thể là lệ kiêng ăn thịt chó, thịt vịt, xôi trắng, cá mè vào mùng 1, hôm rằm.

Chuyên gia có đi tìm hiểu bằng nhiều con đường thì biết sâu thẳm vô thức người ta coi vịt là thiên nga, (hoặc là biểu tượng của thiên nga),  nên giết vịt là giết tiên. Chó cũng vậy là thần giữ của, ăn chó là sát hại Thần. Vì thế mà người xưa kiêng hết!

Một lý do khác liên quan đến tình cảm, có rất nhiều người yêu chó vì phẩm chất trung thành, vì cảm thức bạn bè nên không thể ăn thịt chúng và không chấp nhận việc giết chúng. Từ đó chúng ta bảo nhau không ăn, và để hiệu quả hơn người ta dùng từ "kiêng".

Vùng miền núi xưa kiêng thịt chó rất triệt để, mãi sau này người xuôi lên mới phá lệ. Các loài, các vật khác như mực, xôi trắng, cá mè cũng vậy  thường gắn với sự liên tưởng nào đó.

nhung-dieu-kieng-ki-ngay-mung-1 phunutoday

 

Theo một vị tu mẫu mà chuyên gia tham khảo thì thật ra cần đánh thức tuệ giác để biết ăn gì, làm gì cho hợp với tự nhiên chứ không phải kiêng gì cả. Nhưng vì đời này kiêng lại truyền cho đời khác, gia đình này truyền cho gia đình khác, cộng đồng này kiêng lại truyền cho cộng đồng khác nên cùng kiêng.

Niềm tin ấy càng củng cố khi thế hệ trước ra đi (đã mất) quay lại nhắc kiêng. Người đã mất ấy khi còn sống họ kiêng ăn thịt vịt, ăn chó, nếu người đó mà có linh thì sẽ về nhắc nhở con cháu không được bỏ tục lệ đó, thậm chí trách phạt. Theo bậc tu mẫu, do chưa hiểu cơ chế vận hành của tâm ngã nên mọi người sợ hãi tin theo.

Và thế là, người trần mắt thịt mình, khi không kiêng mà chẳng may bị ốm đau hoặc trong gia tộc có người chết lại nghĩ là do không kiêng, do ăn các loại thực phẩm trên, theo sư cô thì cái mê ấy, cái kiêng ấy “thật là vớ vẩn”.

Nhưng bậc tu cho rằng nếu cảm thấy cần kiêng thì cứ kiêng: “Đúng hay không đúng đâu có quan trọng, cốt là yên tâm đã rồi ngộ tiếp”. Còn nếu không kiêng cũng không sao cả.

 *Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn