Mướp đắng (còn gọi là khổ qua) là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nó chứa nhiều vitamin, khoáng chất như vitamin B1, C, kẽm, kali, protein... Mướp đắng có khả năng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp thanh nhiệt, mát gan... Vị đắng của loại quả này lại khiến nhiều người e ngại, không muốn ăn nó.
Dưới đây là một số cách giúp loại bỏ vị đắng cửa mướp đắng mà bạn có thể tham khảo.
Loại bỏ hạt và lớp cùi trắng ở bên trong
Khi sơ chế mướp đắng, bạn cần phải loại bỏ hết phần hạt ở bên trong.
Hãy bổ dọc quả mướp đắng và loại bỏ hết phần hạt lẫn phần cùi trắng nằm ở bên trong. Khi bỏ hết những phần này, vị đắng sẽ giảm đi rõ rệt.
Ngâm với nước muối
Một trong những cách đơn giản và phổ biến dùng để giảm vị đắng của mướp đắng chính là ngâm trong nước muối.
Bạn có thể bổ mướp đắng ra và làm sạch phần hạt, phần ruột trắng rồi cắt thành miếng vừa ăn. Ngâm mướp đắng trong nước muối khoảng 30 phút cho vị đắng giảm bớt.
Sau đó, đem mướp đắng đi rửa lại với nước sạch nhiều lần cho hết mặn và đem đi chế biến theo sở thích.
Ướp lạnh
Sau khi sơ chế hết phần hạt và ruột trắng, bạn có thể đem mướp đắng ướp với đã lạnh hoặc ngâm trong nước đá để giảm độ đắng. Cách này còn giúp mướp đắng giòn hơn và thường được dùng khi muốn ăn mướp đắng sống.
Chần nước sôi
Bạn có thể đun sôi một nồi nước rồi cho mướp đắng vào chần sơ trong vòng 2-3 phút. Thêm vài hạt muối vào nồi nước để mướp đắng giữ được màu xanh đẹp mắt. Sau đó, vớt mướp đắng ra và ngâm ngay vào bát nước lạnh cho nguội hẳn.
Lưu ý, việc sơ chế qua nhiệt có thể làm mất đi một số dưỡng chất quý giá trong quả mướp đắng.
Thêm đường
Bạn có thể cho thêm một ít đường và bước cuối cùng khi nấu ăn để giảm vị đắng của mướp.
Nấu cùng với các nguyên liệu khác
Sự kết hợp của mướp đắng với các loại nguyên liệu khác có thể giúp giảm vị đắng một cách hiệu quả.
Khi xào nấu mướp đắng, bạn có thể cho các loại gia vị như muối, hành, dầu mè... Nấu mướp đắng cùng trứng, thịt cũng giúp giảm độ đắng của mướp và tăng thêm dinh dưỡng cho món ăn.
Chọn đúng loại mướp đắng
Mướp đắng có nhiều loại khác nhau và độ đắng cũng khác nhau.
Loại mướp đắng rừng thường được trồng ở khu vực rừng núi, quả chỉ to bằng đầu ngón tay cái hoặc ngón chân cái, ngắn và hơi tròn, gai dày và nhọn, màu xanh đậm. Loại mướp đắng này có vị rất đắng nên thường chỉ dùng làm thuốc chữa bệnh.
Mướp đắng đèo là loại được trồng trong vườn, có vỏ xù xì, gai dày, săn, vỏ xanh đậm. Loại này cũng có vị đắng không kém mướp đắng rùng.
Mướp đắng thường có quả to, gai nở thành múi lớn, vỏ màu xanh sáng và nhạt hơn rất nhiều so với mướp đắng rừng cũng như mướp đắng đèo. Loại này thường ít đắng nhất. Có thể chọn những quả có gai nở to vì gai càng to, vị càng ít đắng.