Những tháng cuối năm, hầu như cửa hàng nào cũng cố hút khách bằng các "chiêu": thanh lý, xả hàng, đại hạ giá... Và nhan nhản tại các diễn đàn, các trang rao vặt trên mạng là những lời quảng cáo đầy mời mọc các mặt hàng mỹ phẩm nổi tiếng được bán với “giá sốc”, chị em lại có dịp đi săn lùng hàng thanh lý...
Nhằm giải cơn khát hàng rẻ của các "thượng đế", nhiều mặt hàng mỹ phẩm đang được giảm giá với tỷ lệ “khủng”: từ 50 - 80%! Trong số các mặt hàng đại hạ giá thời điểm này, có những tên tuổi như: L’Oreal, Dolce Gabana, Cavalli, YSL, Zegna Sports, CK, Mango... Tại các đại lý "xịn", nhiều mặt hàng vốn có giá bạc triệu, giờ cũng chỉ còn khoảng vài trăm nghìn, thậm chí có khi chỉ vài chục nghìn đồng, đủ sức kéo khách vào mua... Nhưng theo khảo sát của PV thì những mỹ phẩm này đều là hàng "ba không": không hạn sử dụng; không số công bố chất lượng; không nhãn phụ tiếng Việt! Đưa chúng tôi xem sản phẩm trên nhãn ghi chữ "Apricot Scrub" rất đẹp, người bán hàng ở chợ An Đông (Q.5) chào hàng là sữa tẩy trắng da nhập khẩu từ Mỹ, giá bán 310.000đ/chai 50ml. Trong khi đó, tại cửa hàng khác, chúng tôi lại được giới thiệu là sữa tẩy trang, hàng Pháp, giá 150.000đ/chai và ở chợ Kim Biên, sản phẩm này giá sỉ bán ra 15.000đ/chai (?!). Quan sát kĩ thì hầu hết các sản phẩm ở đây đều bị bong xước nhãn mác, không có ngày sản xuất, han sử dụng và cũng chẳng có thông tin, hướng dẫn sử dụng. Mùi vị, màu sắc... chỉ bằng mắt thường cũng dễ thấy đó là hàng nhái lại theo mẫu của các thương hiệu mỹ phẩm tên tuổi. Cầm một thỏi son nhãn hiệu Chanel, tôi giật mình vì dòng chữ in lem nhem trên thân, kèm theo mùi ngai ngái khó chịu và đáng sợ nhất là son đã lấm tấm mồ hôi, chảy nước. Thấy tôi nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm, chị bán hàng trấn an: "Em yên tâm, về Việt Nam trời nồm nên son chảy mồ hôi, cho vào tủ lạnh dùng vài năm vẫn đẹp. Đây toàn là hàng ngoại xách tay, chất lượng đảm bảo, không phải lo!”. Nhưng chất lượng đó được đảm bảo như thế nào? Và được đảm bảo với ai thì có lẽ chỉ có người bán mới trả lời được!
Bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm rởm nhập Viện Da liễu ngày càng tăng. |
Hàng hiệu hay hàng rởm?
Theo con số khảo sát của Công ty Nielsen và Tổ đặc trách quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thì trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM hiện nay có đến 47% mỹ phẩm là hàng giả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cơ hội người dùng mua được hàng thật là 50/50. Nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia... và sản xuất tại Việt Nam, nhưng phần lớn các loại mỹ phẩm ngoại đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt - một quy định bắt buộc đối với hàng nhập khẩu chính ngạch. Chiêu "dụ" khách thường là: Hàng ngoại các tiếp viên hàng không và Việt kiều xách tay về nên làm gì có tiếng Việt, lấy được giá rẻ nên mới bán giá mềm chỉ bằng 1/5 tới 1/15 giá chính hãng (!?). Đội Quản lý thị trường 3A tháng 10 vừa qua đã phát hiện và thu giữ gần 6.000 hộp mỹ phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Shiseido, Lancome, Olay, Dove, Finesse, OTC... không chứng từ nhập khẩu. Mỹ phẩm thật giả lẫn lộn, trà trộn tinh vi dưới rất nhiều dạng: Giả nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn mác, hàng nhập khẩu không có tem phụ... khách hàng rất dễ mua nhầm hàng kém chất lượng vì ham rẻ hoặc vì không ít sản phẩm giả có hình thức y như hàng thật bởi kỹ thuật in ấn ngày càng tinh vi.
Hồi chuông báo động
Cũng vì tâm lý chủ quan, hám rẻ, thích làm đẹp mà nhiều chị em đã "nhắm mắt mua liều" và vì vậy cũng rất nhiều trường hợp chị em khốn đốn vì mỹ phẩm rởm. Chị Phương Liên (Từ Liêm), nhân viên một công ty tin học ở Hai Bà Trưng ngậm ngùi: "Lương tháng hơn 3 triệu đồng, một lọ mỹ phẩm "xịn" giá cả triệu đồng, để sắm cả bộ đầy đủ dễ phải hơn chục triệu thì lấy gì mà sống? Thôi thì chậc lưỡi, người ta cũng dùng đầy đó mà có sao đâu". Nhưng chỉ sau hai lần sử dụng một hộp kem dưỡng da “Lancome” giá 70.000 đồng, gương mặt chị bắt đầu bị đỏ ửng rồi chuyển sang sưng tấy, nổi mẩn li ti, ngứa ngáy khó chịu. Hai ngày sau, chị phải nhập viện trong tình trạng tổn thương lan rộng khắp toàn thân, kèm bọng nước, lở loét niêm mạc cộng với môi miệng gây nhiễm khuẩn... Bác sĩ điều trị chẩn đoán chị bị dị ứng mỹ phẩm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các nhà chuyên môn cho biết, các loại mỹ phẩm chính hãng khi sản xuất và phân phối được kiểm soát nghiêm ngặt nhưng hàng rởm thì không tuân thủ bất cứ nguyên tắc nào, vì thế chúng thường hàm chứa những thành phần có hại như: chì, đồng, thủy ngân, thạch tín và các kim loại nặng dễ gây kích ứng hoặc gây tổn thương vĩnh viễn cho da. Thậm chí, chúng có thể chứa các thành phần gây ung thư bị cấm sử dụng. Đã từng có những cây bút chì kẻ mắt bị phát hiện chứa lượng đồng gấp 46 lần cho phép, vô cùng nguy hiểm cho mắt. Cũng theo số liệu thống kê của Viện Da liễu Trung ương, số phụ nữ bị dị ứng da đang tăng nhanh ở những tháng cuối năm vì sử dụng mỹ phẩm rởm. Hậu quả là mụn trứng cá, các vết sưng, bệnh vẩy nến, phát ban, nhiễm khuẩn mắt, hay nghiêm trọng hơn là nhiễm độc chì, gây suy tim, thận và hệ thần kinh. Vấn đề cần cảnh báo là, người tiêu dùng biết thừa mình đang mua hàng giả, hàng nhái, nhưng vì nhiều lý do mà vẫn cứ coi thường sức khỏe, bỏ qua những tác hại khủng khiếp của mỹ phẩm giả.
6 lỗi chạy bộ khiến chị em không thể giảm cân Chưa khởi động khi chạy, chạy quá nhanh... là những sai lầm nghiêm trọng khi chạy bộ khiến bạn không thể giảm cân. |