Mụn không chỉ gây ra hậu quả về mặt thẩm mỹ, mà chúng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt còn nguy hại đến tính mạng nếu chúng ta nặn mụn ở những vùng cấm kỵ. Với mỗi loại mụn nếu không có cách phòng tránh và điều trị thích hợp, phái đẹp còn rất dễ bị viêm nhiễm da, lở loét da hoặc để lại sẹo rỗ vô cùng xấu xí.
Tuy nhiên, nặn mụn thực chất không phải là một việc có thể làm tùy tiện, nhất là khi mụn mọc tại một số khu vực được xem là "hiểm". Mới đây, như trường hợp của cô gái Katie Wright đã suýt chút nữa đã phải trả giá đắt chỉ vì nặn một cái mụn khổng lồ giữa 2 chân mày.
Được biết, Wright đã quyết định nặn một cái mụn khá lớn mọc ngay sát chân mày đã khiến cô đau đớn suốt vài ngày. Chỉ sau vài giờ nặn, vết thương sưng lên nhanh chóng, và nó đau đến mức buộc cô phải tới bệnh viện để xử lý.
Cái mụn trứng cá đơn thuần của Katie Wright thực chất là một ca viêm mô tế bào - một dạng nhiễm trùng lên các mô sâu dưới da. Và việc nặn mụn đã khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.
May mắn cho Katie, cô đã được chữa lành sau 4 ngày điều trị. Nhưng theo bác sĩ Jessica Krant thuộc Bệnh viện ĐH New York thì đây là một chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu để lâu, nội tạng có thể bị hủy hoại, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
Vị bác sĩ này cho biết thêm rằng chỉ cần vi khuẩn tiến vào máu, vi khuẩn có thể tiếp cận mắt, não, xoang, khớp xương. Đó là các khu vực rất khó để chữa trị, và thường để lại di chứng nghiêm trọng.
Nguy hiểm hơn, bệnh viêm mô này thường bị nhầm với mụn trứng cá thông thường. Do vậy, người mắc phải có xu hướng tự nặn, dẫn đến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Không những thế Katie còn tự mình nặn mụn ở một vị trí khá hiểm - ngay sát "tam giác chết" trên khuôn mặt. Đây là một thuật ngữ ám chỉ khu vực từ sống mũi xuống hai khóe miệng, tạo thành một hình tam giác. Nói cách khác, "tam giác chết" là khu vực bao gồm cả sống mũi và phần hàm trên, nơi bạn không bao giờ được nặn mụn vì nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Tuy rằng trường hợp của Wright không hẳn là mụn, nhưng ngay với các loại mụn thông thường, việc nặn chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
"Nặn mụn là chấp nhận rủi ro. Nếu mụn có nhân trắng và khá mềm, bạn có thể thử nặn nó. Nhưng với các loại mụn có nhân sâu, việc cố gắng nặn cũng không khác gì tự sát", Krant cảnh báo.
Lý do thì như đã nêu, nặn mụn làm tăng nguy cơ khiến vi khuẩn xâm nhập sâu vào da và nó cũng có thể biến chứng thành bệnh viêm mô như trường hợp của Wright.
Đôi khi, hành động này có thể gây nhiễm trùng, đặc biệt khiến vùng da quanh mụn thâm, viêm tấy, để lại sẹo rỗ - rất mất thẩm mĩ.
Do đó, việc bạn thấy mụn mà cứ táy máy nặn không tốt chút nào, chưa kể tay bạn không sạch, có thể khiến vết thương nhiễm trùng nặng hơn.
Bên cạnh ra, việc luyện tập để thay đổi thói quen cũng có tác dụng lớn. Khi cảm thấy "ngứa tay" muốn nặn mụn, bạn có thể lựa chọn việc ngồi tỉ mẩn đan móc, hay chơi xếp hình... để khiến đôi tay bận rộn hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm soát tác nhân gây kích thích (Stimulus Control). Nói đơn giản, hãy thay đổi môi trường xung quanh để sao cho bạn ít có khả năng phát hiện đối tượng và làm tổn thương mình nhất.
Ví dụ như ăn nhiều rau, hoa quả, bổ sung kẽm, dùng sản phẩm trị mụn đặc hiệu... để mụn nhanh biến mất thay vì cứ chăm chăm đứng trước gương, sờ nắn chiếc mụn và rồi nặn chúng. Đi găng tay như 1 lời nhắc nhở không được "cào cấu" bản thân cũng là một ý kiến không tồi đâu.