Người đàn ông đó là ông Nguyễn Cửu M., trú tại thôn Hộ, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Theo ông M., ngày 8/8, trong lúc ông đang đi vào khu vực rừng đỉnh Đại Bác thuộc xã Dương Hòa để lấy mật ong thì bất ngờ nhìn thấy một quả bom khủng nằm trên mặt đất, vẫn còn nguyên kíp nổ.
Đáng lưu ý, tại thời điểm phát hiện quả bom, ông M. không vội báo cho cơ quan chức năng mà tiến lại gần xem, ôm quả bom để biết kích thước, đồng thời không quên chụp ảnh kỷ niệm.
"Cảm thấy tò mò, tôi đã chạy đến xem, ôm quả bom để biết kích thước nó như thế nào. Đồng thời, tôi đã nhờ một người bạn đi cùng chụp giúp cho mấy tấm ảnh để về làm kỷ niệm", ông M. nói.
Theo ông M., quả bom có chiều dài khoảng 1,2m, đường kính khoảng một vòng tay người ôm. Về trọng lượng do quả bom quá to và nặng nên ông không thể ước tính được.
Về việc này, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, khi người dân phát hiện ra bom mìn phải nhanh chóng báo cáo ngay cho ban chỉ huy quân sự tỉnh. Sau đó, đơn vị sẽ huy động lực lượng đến hiện trường để xử lý.
Phải làm gì khi phát hiện bom, mìn?
Trong những năm gần đây, người dân phát hiện nhiều bom, mìn. Phần lớn bom, mìn này theo sà lan chở cát lấp từ ngoài tỉnh về Bạc Liêu. Trong quá trình khai thác cát, bom, mìn vô tình được vớt lên và nằm lẫn trong đống cát. Khi người dân thấy chúng thì thường hoảng sợ và lúng túng trong cách xử lý.
Tác hại của bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh thì ai cũng biết. Theo thống kê chưa đầy đủ (của Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh) cả nước đã có trên 42.000 người chết, trên 62.000 người bị thương do bom, mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi ngày có 4 người chết vì nguyên nhân này.
Theo lời kể của các chiến sĩ công binh tỉnh, khi phát hiện 64 trái bom bi, chủ cơ sở thu mua phế liệu ở ấp 18, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai khóa cửa nhà, bỏ đi 2 ngày. Dân trong vùng cũng hoang mang. Khi lực lượng công binh xuống xử lý, chủ cơ sở này mới dám trở về. Lại có trường hợp “bán hiểm nguy” cho người khác. Sau khi phát hiện bom, họ cũng lo sợ, nhưng lại kêu người mua ve chai đến mua quả bom này. Có trường hợp ở thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai, thấy bom trên sà lan, họ đạp xuống kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau vì sợ tốn tiền trả cho đơn vị xử lý.
Khi thấy bom, mìn, vật nổ, người dân phải bình tĩnh, phải để yên, không nên va chạm vào nó (vì có những loại rất nhạy nổ) và báo Ban nhân dân ấp hoặc ngành chức năng. Từ đây, thông tin sẽ được chuyển lên Bộ CHQS tỉnh. Trong thời gian chờ lực lượng công binh xuống, ấp, xã, huyện sẽ đến phong tỏa hiện trường, cắm khu vực, canh gác đảm bảo an toàn cho người dân. Tính từ lúc nhận được công văn đề nghị xử lý bom, mìn, vật nổ, trong vòng 24 giờ, chúng sẽ được lực lượng công binh xử lý xong.
Từ năm 2012, Nhà nước sẽ chịu kinh phí xử lý bom, mìn, vật nổ. Theo Chỉ thị 2047/CT-BTL ngày 10/11/2011 của Tư lệnh Quân khu 9, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố hàng năm lập kế hoạch xin ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ thu gom các loại bom, mìn, vật nổ trên địa bàn quản lý.
Bom, mìn, vật nổ có nhiều loại nên cơ quan chức năng không thể tuyên truyền, giúp người dân biết hết về chúng. Các lực lượng ở địa phương cũng không biết hết các loại bom, mìn, vật nổ. Cho nên, khi phát hiện chúng, người dân cần xử lý theo hướng dẫn nêu trên. Lực lượng công binh không thu bất kỳ loại phí nào khi đến xử lý bom, mìn, vật nổ, mà kinh phí này do UBND tỉnh hỗ trợ.