Khi nhắc đến cơm, nhiều người thường nghĩ đến loại đồ ăn cung cấp nhiều chất đường bột. Cơm cung cấp một trong 4 nhóm chất không thể thiếu để duy trì hoạt động và sự phát triển của cơ thể. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng trong quá trình gạo được nấu chín thành cơm, nếu biết tận dụng và sử dụng nước cơm thì sẽ lấy được rất nhiều các vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể. Muốn thu được nước cơm thì người nấu cần “canh” đúng thời điểm bởi nếu chậm hoặc quá vội vàng thì giá trị dinh dưỡng lấy được sẽ không cao.
Theo TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, vào những năm 90 hoặc trước đó, nước cơm từng được coi là “đặc sản” mà nhiều trẻ nhỏ yêu thích, háo hức được thưởng thức.
Bác sĩ Từ Ngữ cho hay: “Nước cơm không đơn giản là “cao gạo”, mà còn là thứ nước rất dinh dưỡng, chứa nhiều tinh bột, vitamin tốt cho cơ thể. Thường mọi người vẫn nghĩ nước cơm chỉ hay sử dụng cho trẻ nhỏ nhưng ngay cả với người trưởng thành nếu uống được nước cơm cũng rất tốt, nhất là người mới ốm dậy”.
Ngoài lượng tinh bột dồi dào, nước cơm còn có protein (chiếm khoảng 8%), rất giàu vitamin nhóm B và các khoáng chất như Natri, Photpho… Bác sĩ Từ Ngữ phân tích, khi gạo được ngâm nước rồi dưới tác động của nhiệt sẽ làm mềm gạo, tinh bột cùng các vitamin và khoáng chất sẽ thoát ra ngoài. Nếu chắt lấy nước gạo dùng thì cơ thể sẽ nhận được nhiều chất nhất. Nếu không các chất này sẽ ngấm ngược vào cơm nhưng sẽ bị hao hụt đi khá nhiều.
TS.BS Từ Ngữ chia sẻ: “Trước đây có thể do kinh tế khó khăn, mọi người nấu cơm bếp củi, nồi gang nên dễ dàng lấy nước cơm hơn là việc cắm cơm bằng nồi điện. Tuy nhiên, nếu muốn chúng ta vẫn hoàn toàn tận dụng được nguồn dinh dưỡng quý giá này bằng cách canh nồi cơm điện đúng thời điểm cơm sôi gần cạn thì dùng thìa hớt nước gạo ra sử dụng. Nếu không sử dụng quá trình cơm cạn và ủ sẽ bị bay hơi khiến lượng nước thoát ra ngoài rất lãng phí”.
Ths. Lương y Vũ Quốc Trung (thành viên Hội Đông y Việt Nam) cho biết nước cơm là một “vị thuốc” tự nhiên rất tốt cho sức khỏe, ai cũng có thể dùng được, không có chống chỉ định hay gây ra bất kể phản ứng gì.
Ông Trung cho rằng nếu dùng nước cơm thường xuyên sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, giúp làm đẹp da, thanh lọc và làm mát cơ thể. Đối với trẻ nhỏ đang ăn dặm cũng dùng được nước cơm vì nó giúp hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, nhất là trẻ đang bị tiêu chảy. Lý do là nước cơm điều hòa nhu động ruột ở trẻ sơ sinh và ngừa mất nước do tiêu chảy.
Tuy nhiên, có nhiều người sử dụng nước cơm hay hòa thêm đường để tăng vị ngọt. Theo lương y Quốc Trung điều này không nên vì có đến 80% nước cơm là chất bột đường, cho thêm đường là không nên và cũng không có lợi cho cơ thể. Việc pha sữa vào nước cơm sẽ khiến sữa bị biến chất vì chất oxidase có trong tinh bột (nước cơm) sẽ phản ứng với sữa làm triệt tiêu vitamin A. Điều này khiến trẻ không dung nạp đủ loại vitamin này, từ đó khiến trẻ suy nhược cơ thể, trí não chậm phát triển.