Trong cơ thể người, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, với vai trò thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để duy trì sức khỏe. Trên thực tế, các chức năng của gan vẫn còn là ẩn số, khó có thể khám phá chính xác công việc mà gan phải đảm nhận mỗi ngày. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã thống kê được hơn 500 vai trò, sinh lý chức năng gan riêng biệt. Nếu không biết cách bảo vệ khiến cho chức năng của gan suy giảm thì sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe. Mía, kem, trà sữa là các món ngọt ngào, được nhiều người yêu thích nhưng không đem lại lợi ích cho gan. Ngược lại mướp đắng tuy khó ăn nhưng lại rất tốt cho bộ phận quan trọng này.
Gan là một cơ quan tương đối lớn trong cơ thể con người, không chỉ có chức năng chuyển hóa, giải độc, gan còn có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mắt và túi mật. Gan cũng liên quan mật thiết đến hệ thần kinh và hệ tiêu hóa. Vì vậy, mọi người cần phải bảo vệ gan, đặc biệt có chế độ ăn uống hợp lý, để tránh khiến gan bị tổn thương. Dưới đây là 3 loại đồ ngọt cần hạn chế:
1. Trà sữa
Trà sữa là thức uống được nhiều người yêu thích nhưng không nên uống quá nhiều, nếu không sẽ gây ra những tác hại nhất định cho sức khỏe. Vì lượng đường trong trà sữa thường vượt quá tiêu chuẩn, khiến một lượng lớn chuyển hóa thành chất béo, không chỉ làm tăng khả năng béo phì mà còn ảnh hưởng đến chức năng của gan. Quá nhiều đường tinh chế và xiro bắp fructose có thể gây ra sự tích tụ mỡ ở gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ.
2. Mía
Mía có vị ngọt mát nhưng lại có nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Trước hết, hàm lượng đường trong loại thực phẩm này tương đối cao. Tiêu thụ quá nhiều sẽ làm cho lượng đường trong cơ thể tăng, chuyển hóa thành chất béo tích tụ trong gan. Theo thời gian, có thể dẫn đến viêm gan. Một số nghiên cứu cho thấy, đường có thể gây hại cho gan tương đương như rượu bia ngay cả khi bạn không thừa cân.
3. Kem
Kem có vị ngọt, làm dịu cơn khát nhưng hàm lượng đường trong kem rất lớn. Tiêu thụ quá nhiều sẽ dẫn đến tăng quá mức lượng đường trong cơ thể. Những loại đường này nếu không được tiêu thụ kịp thời sẽ trở thành chất béo tích tụ trong người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Trong khi 3 loại đồ ngọt kể trên gây hại cho sức khỏe thì mướp đắng với vị khó ăn lại là thực phẩm rất tốt cho gan.
Công dụng của mướp đắng đến từ những hoạt chất sinh học đáng quý. Nó còn đến từ tính vị và công năng của thứ quả miền cận nhiệt đới này. Người ta vẫn gọi mướp đắng là thứ quả của thanh nhiệt, giải độc. Vì mướp đắng có vị đắng, tính hàn, theo các sách y học cổ truyền, có tác dụng trừ nắng, chỉ khát, thanh tâm, thanh gan, sáng mắt, hạ hỏa, dưỡng gan huyết, thanh nhiệt giải độc, trừ trúng nắng.
Mướp đắng có công dụng giải độc rất tốt, nhất là những thể độc do nóng bức từ trong nóng ra. Các dạng nhiễm độc do gan không đủ khả năng chuyển hóa. Sở dĩ mướp đắng có tác dụng này là vì: mướp đắng có rất nhiều nước, nước có công dụng chuyển chất độc tới thận để thải ra ngoài. Mướp đắng lại có tính hàn, bớt sinh nhiệt, giảm nhiễm độc do nóng trong. Mướp đắng còn có tác dụng mạnh gan, nên tăng khả năng thanh thải cho cơ thể. Mướp đắng còn có kháng sinh tự nhiên, nên có khả năng tiêu diệt các mầm bệnh gây độc.
Ngoài ra, mướp đắng giàu chất xơ có tác dụng kích thích vận động đường mật nên tốt cho tiết mật. Mướp đắng còn có tác dụng làm giảm nồng độ các men gan viêm như: AST, ALT (sự gia tăng các men này là một dấu hiệu chỉ thị cho tế bào gan đang bị viêm nặng). Mướp đắng còn được thực nghiệm chứng minh làm giảm nồng độ bilirubin trong máu (tăng bilirubin là một chỉ thị chứng tỏ gan chuyển hóa kém, đường mật đang bị tắc). Vì thế, mướp đắng rất an toàn cho gan của bạn.
Muốn gan khỏe mạnh, ngoài việc đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống, bạn cũng nên tích cực tập thể dục để thúc đẩy quá trình thải độc tố ra ngoài. Thêm nữa, bạn nhớ uống thêm nước để quá trình trao đổi chất trong người diễn ra thuận lợi hơn. Mọi người cần giữ tâm trạng ôn hòa và thái độ lạc quan. Thường xuyên giận dữ hoặc trầm cảm có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu của gan. Đồng thời, tránh thức khuya vì gan cần thời gian phục hồi và tái tạo tế bào.