Rửa sạch nồi trước khi nấu
Trước khi nấu cơm, bạn cần phải rửa nồi thật kỹ. Sau mỗi lần nấu, các hạt cơm cũng như cặn tình bột sẽ bám trong lòng nồi và phần vung nồi. Nếu không loại bỏ chúng, mẻ cơm mới sẽ kém thơm ngon và rất dễ bị thiu.
Bạn cũng nên rửa sạch cả muôi xới cơm.
Đảm bảo dụng cụ nấu cơm sạch sẽ thì cơm mới để được lâu.
Vo gạo
Nhiều người có thói quen vo gạo kỹ, tới khi nào nước trong thì mới nấu. Tuy nhiên, đây là việc không nên. Lớp cám bên ngoài hạt gạo cũng chứa rất nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, bạn chỉ cần vo gạo nhẹ nhàng 1-2 lần, loại bỏ các cặn bẩn, tạp chất (nếu có).
Khi vo gạo, không nên chà mạnh tay làm mất đi các dưỡng chất ở lớp vỏ bên ngoài hạt gạo.
Sau khi vo gạo, bạn đừng vội nấu ngay. Hãy ngâm gạo trong nước 10-20 phút. Cách này giúp hạt gạo hút đủ nước. Khi nấu, hạt gạo sẽ dẻo và nở đều.
Thêm muối vào cơm
Đây là một mẹo dân gian giúp cơm lâu thiu được người xưa áp dụng. Khi vo gạo và khi nấu cơm, bạn có thể thêm vài hạt muối.
Muối có tác dụng ức chế vi sinh vật gây thối, giúp giảm ảnh hưởng của các enzyme gây hư hỏng. Do đó, nó có thể giúp cơm lâu bị thiu hơn. Ngoài ra, muối cũng giúp cơm có vị đậm đà. Lưu ý, bạn không nên cho nhiều muối khiến cơm bị mặn.
Giấm ăn
Khi nấu cơm, bạn cũng có thể cho thêm vài giọt giấm ăn. Với 1,5kg, bạn chỉ cần dùng 2-3ml giấm ăn là đủ.
Giấm giúp cơm trắng hơn và không dễ bị thiu.
Lượng giấm cho vào cơm rất ít và sẽ bốc hơi trong quá trình nấu nên bạn không cần lo lắng về việc mùi vị của giấm làm ảnh hưởng đến cơm.
Cách bảo quản cơm nguội
Với những ngày mát trời, bạn có thể xới cơm ra bát và để ở nơi thoáng mát. Nhớ dùng lồng bàn hoặc rổ đậy lên trên để ruồi muỗi không thể đậu vào cơm. Ở môi trường mát mẻ, cơm sẽ không bị thiu nếu để ở ngoài trong vài tiếng. Tuy nhiên, bạn không nên để như vậy quá lâu.
Tuyệt đối không để cơm trong nồi cơm điện và đậy nắp kín. Trong môi trường kín và nóng, cơm sẽ rất nhanh thiu.
Muốn bảo quản cơm tốt hơn, để được được lâu hơn, bạn cần dùng đến tủ lạnh. Đối với phần cơm thừa, bạn cần phải để chúng thật nguội rồi cho vào hộp, đậy kín nắp và để vào ngăn mát tủ lạnh.
Nhiệt độ thấp trong ngăn mát tủ lạnh sẽ giúp làm chậm quá trình sinh sôi của các loại vi khuẩn, giúp cơm lâu hỏng.