Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là trường đại học số 1 thế giới năm 2024 theo bảng xếp hạng QS. Mới đây, trường đã công bố “MIT Graduating Student Survey – GSS” (khảo sát sinh viên MIT tốt nghiệp) ở cả hai hệ cử nhân và thạc sĩ.
Mức lương trung bình hàng năm của sinh viên tốt nghiệp MIT được khảo sát vào năm 2023 là 126.841 đô la (hơn 3 tỉ đồng). Mức lương trung bình cho sinh viên tốt nghiệp hệ sau đại học cùng năm là 151.233 đô la (hơn 3,6 tỉ đồng). Được biết, so với các trường đại học khác trong và ngoài nước thì số liệu về mức lương trung bình hàng năm của sinh viên MIT cao hơn nhiều.
Dù mức lương trung bình hàng năm của sinh viên tốt nghiệp MIT cao nhưng khoảng cách giữa các chuyên ngành cụ thể cũng rất lớn.
Sinh viên ngành nào tốt nghiệp lương cao nhất?
Nhiều người cho rằng sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật, khoa học máy tính, IT mới có mức lương cao nhất tại MIT vì đây là viện công nghệ. Nhưng khảo sát mức lương theo lĩnh vực của trường cho thấy ngành được trả lương cao nhất sau khi tốt nghiệp vào năm 2023 là tài chính và bảo hiểm.
Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân ngành tài chính và bảo hiểm có mức lương trung bình hàng năm là 226.212 đô la (gần 5,5 tỉ đồng), cùng ngành này nhưng những người tốt nghiệp hệ sau đại học là 191.122 đô la (hơn 4,6 tỉ đồng).
Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và máy tính hệ cử nhân có thu nhập cao thứ hai với 131.998 đô la (hơn 3,2 tỉ đồng), ít hơn 94.214 đô la (hơn 2,2 tỉ đồng) so với sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính và bảo hiểm.
Sau đó là đến các ngành: Transportation (giao thông vận tải) – 102.667 đô la (gần 2,5 tỉ đồng); Professional, Scientific and Technical Services (Dịch vụ chuyên môn, khoa học và kĩ thuật) – 100.204 đô la (hơn 2,4 tỉ đồng); Energy and Utilities (Năng lượng và tiện ích) – 93.033 đô la (hơn 2,2 tỉ đồng)…
Xét về hệ lương theo vị trí công việc cụ thể (salary by occupation), thu nhập của sinh viên tốt nghiệp MIT về cơ bản tương đương với hệ lương theo lĩnh vực. Với sinh viên sở hữu tấm bằng cử nhân, vị trí chuyên gia tài chính có mức thu nhập cao nhất (203.684 đô la – gần 5 tỉ đồng), sau đó là vị trí việc làm liên quan đến máy tính và thuật toán (154.409 đô la – hơn 3,7 tỉ đồng), tư vấn (106.469 đô la – hơn 2,5 tỉ đồng), kiến trúc và kỹ thuật (100.179 đô la – hơn 2,4 tỉ đồng),…
Trong số các sinh viên tốt nghiệp hệ thạc sĩ, vị trí chuyên gia tài chính tiếp tục dẫn đầu (176.092 đô la – hơn 4,2 tỉ đồng), sau đó là lĩnh vực tư vấn (171.823 đô la – hơn 4,1 tỉ đồng), máy tính và thuật toán (161.111 đô la – gần 4 tỉ đồng), các vị trí quản lý (136.137 đô la – hơn 3,3 tỉ đồng),…
Tiềm năng ngành tài chính và bảo hiểm ở Việt Nam
Tài chính bảo hiểm là một trong những lĩnh vực đang rất được ưa chuộng trong thời đại hiện nay. Nền kinh tế phát triển, kéo theo đó là các công ty tăng cường đầu tư để mở rộng hoạt động của mình. Nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia tài chính vì vậy mà cũng ngày càng tăng cao.
Tài chính bảo hiểm là một lĩnh vực rộng lớn liên quan đến tài chính, kinh tế và ngân hàng. Nó bao gồm các hoạt động liên quan đến quản lý tài chính và đầu tư, bảo hiểm, quản lý rủi ro, vận hành các hệ thống thanh toán và tài trợ cho hoạt động thương mại.
Ở Việt Nam hiện nay thường tách tài chính và bảo hiểm ra làm 2 ngành riêng biệt. Trong ngành tài chính còn được chia nhỏ chuyên ngành ra thành: Tài chính doanh nghiệp, Tài chính Quốc tế, Tài chính công,… Nhưng kiến thức được học trong từng chuyên ngành sẽ bổ trợ lẫn nhau.
Các trường top đầu đào tạo ngành này có thể kể đến như: Đại học Ngân hàng TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính,…
Theo thống kế, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 24,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập thực tế còn giao động tuỳ thuộc vào vị trí công việc của từng lĩnh vực cụ thể.