Ngành Truyền thông đa phương tiện
Đời sống ngày càng phát triển, ngành Truyền thông đa phương tiện cũng vươn lên giữ vị thế quan trọng, trở thành một trong những ngành “thời thượng” được đông đảo bạn trẻ năng động quan tâm lựa chọn.
Nhưng thực tế số lượng học viên đăng ký học ngành này mỗi năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực. Chính sự “khan hiếm” này giúp sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện được các doanh nghiệp chào đón. Trong tương lai, dự báo Truyền thông đa phương tiện vẫn là ngành học thời thượng, có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn với những ai đam mê đổi mới, thử thách.
Hiểu một cách đơn giản thì truyền thông đa phương tiện là ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, bản tin,…), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình,…) cùng nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Sinh viên theo học ngành này được trang bị những kiến thức nền tảng về mỹ thuật, công nghệ thông tin và những kiến thức chuyên sâu về báo chí, quảng cáo, truyền thông.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được chú trọng phát triển tối đa năng lực chuyên môn qua việc thực hành thường xuyên. Một số trường đầu tư các phòng thực hành thiết kế, studio tiền tỷ với hệ thống máy quay phim, chụp ảnh, thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp. Hơn nữa, sinh viên còn được thường xuyên thực hiện đồ án phim, chương trình truyền hình mang ra rạp công chiếu. Điều này giúp sinh viên vững chuyên môn, tự tin thể hiện năng lực trong giới truyền thông hiện đại.
Các trường đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện
Hiện nay để theo học ngành Truyền thông đa phương tiện, các bạn trẻ có thể tham khảo các trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền (điểm chuẩn năm 2023 là 28,68), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM (điểm chuẩn là 27,25 điểm), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (điểm chuẩn là 26,33 điểm), Trường Đại học Hà Nội (điểm chuẩn là 25,94 điểm), Trường Đại học Thăng Long (điểm chuẩn là 25,89 điểm), Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (điểm chuẩn là 20 điểm)…
Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện với trình độ đại học, ngoài khối lượng kiến thức đại cương còn có thể lựa chọn một trong hai chuyên ngành Truyền thông báo chí đa phương tiện hoặc Truyền thông thiết kế multimedia để theo học.
Chuyên ngành Truyền thông báo chí đa phương tiện đào tạo sinh viên chuyên về nội dung báo chí để có thể làm việc trong bất kỳ loại hình báo chí nào như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Sinh viên sẽ được đào tạo theo mô hình nhà báo đa kỹ năng, có thể hoạt động độc lập, năng động phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Chuyên ngành Truyền thông theo hướng thiết kế multimedia đào tạo sinh viên thiên về khả năng thiết kế để có khả năng sử dụng các phần mềm chuyên dụng InDesign, Photoshop, Illustrator,… và các phần mềm thiết kế, dựng phim khác. Đặc biệt là kỹ năng vận dụng tất cả các kiến thức đó để tạo ra sản phẩm đẹp mắt, đúng ý tưởng, đúng mục đích, phục vụ cho công việc và cho khách hàng.
Mức thu nhập hấp dẫn, lên tới 25 triệu đồng/tháng
Trong xã hội hiện đại, Truyền thông quảng cáo là một phần không thể thiếu. Nghề nghiệp của ngành Truyền thông đa phương tiện vì vậy mà vô cùng rộng mở. Sinh viên mới ra trường có thể làm việc ở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh, công ty phát triển phần mềm, tạo dựng website, thiết kế đồ họa với các công việc như chuyên viên truyền thông, chuyên gia thiết kế, biên tập, quản lý,…
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết, theo thống kê, 92% sinh viên ra trường có việc làm với mức lương trung bình từ 7 – 25 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có các công ty truyền thông, quảng cáo, tòa soạn, đài truyền hình mà rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đều sẵn sàng đưa ra mức lương cao để chiêu mộ những chuyên gia truyền thông giỏi.