Vì sao nên lau dọn bàn thờ cuối tháng 6?
Theo các nhà tâm linh, tháng 7 âm lịch có lễ Vu lan vào Rằm tháng 7 để báo hiếu tổ tiên. Dịp này nhiều gia đình muốn dọn dẹp bàn thờ nhằm tẩy rửa sạch sẽ tất cả đồ thờ tự, hay thay bát hương, hoặc đơn giản là tỉa bỏ chân hương để đón gia tiên về cho con cháu bày tỏ lòng hiếu kính.
Theo nhiều nhà tâm linh, thời gian dọn dẹp ban thờ tốt nhất nên chọn vào khoảng cuối tháng 6 âm lịch. Trong tháng 7 âm, chỉ nên lau sạch nến, đồ thờ chứ tuyệt đối không nhổ bỏ chân hương bởi làm như thế bị coi là “động” bát hương không tốt. Với các gia đình không kịp thay bát hương hoặc tỉa bỏ chân hương thì có thể chờ tới cuối tháng hoặc tốt hơn là để cuối năm theo đúng phong tục. Người cẩn thận thường chọn ngày giờ tốt để làm việc tâm linh đó được tốt lành.
Các nhà tâm linh cũng cho rằng, khoảng 2-3 tháng cũng nên lau dọn bàn thờ một lần, không nên cứ Rằm tháng 7 hay cuối năm mới làm. Nhưng cũng không nên lau dọn thường xuyên vì nơi đặt bát hương rất cần tụ khí, nếu động chạm liên tục thì theo tâm linh cũng không tốt. Bình thường chỉ nên lau bàn thờ cho sạch sẽ, không để bụi bẩn hay mạng nhện dính ở đó là được.
Các lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ trong tháng cô hồn
Khi làm việc này cần cẩn thận, tỉ mỉ để tránh đổ vỡ đồ thờ, vật phẩm và những đồ thờ cúng quý (như cây nến cổ, bình quý, bài vị) để lại. Bởi với nhiều gia đình đồ thờ cúng trên bàn thờ được coi là những vật phẩm quan trọng, thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, người thân đã khuất trong họ hàng.
Nếu thực hiện các thủ tục bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương thì tuyệt đối không đổ tro bừa bãi ra bên ngoài bởi theo quan niệm của người xưa hành động này có thể gây “tán tài”. Hãy dùng thìa nhỏ xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi rửa sạch bát hương, lau khô (nhớ giữ lại 3-5 hoặc 7 chân hương để cắm lại khi thay xong bát hương).
Sau khi tỉa chân hương bạn nên đốt và đem thả tro xuống sông hồ hay hòa nước để bón cây. Trường hợp thay đồ thờ cúng như bát hương, chén đĩa trong dịp này không nên vứt lung tung mà đem thả trôi sông hồ cho mát mẻ, sạch sẽ. Với bàn thờ cũ, cây nến, cây hương được tiện bằng gỗ sơn son thiếp vàng thì nên hóa đi tránh để nguyên rồi vứt linh tinh, vừa phạm lại ô nhiễm môi trường.
Không tùy tiện động chạm, di chuyển bát hương vì việc dịch chuyển bát hương là điều tối kỵ bởi ông bà sẽ khó an vị để phù hộ cho cháu con.
Trước khi bao sái ban thờ, gia chủ nên tắm rửa sạch sẽ rồi mới bắt tay vào bao sái.
Nên biện một lễ hoa quả nhỏ, thắp nén hương xin thần linh, gia tiên tạm lánh để con cháu bao sái bàn thờ. Đặt lễ cúng đường nên tùy điều kiện mà sắm, không cần quá phô trương chỉ cần tấm lòng thành kính. Sau đó mới được phép lau dọn ban thờ, đồ thờ tự.
Nên trải vải đỏ hoặc giấy đỏ lên mâm, bàn rồi đưa đồ thờ, bài vị đặt vào đó. Lưu ý, đặt các đồ thờ Phật, thần linh, gia tiên riêng tránh lẫn lộn.
Dùng nước thảo dược và rượu gừng để bao sái. Bao sái thuận là lau bài vị Phật rồi thần linh trước rồi thay nước mới để lau bài vị tổ tiên. Sau khi khô thì đặt lại như cũ.
Đặc biệt, trước khi lau dọn bàn thờ bạn cần nhớ kỹ vị trí để sau đó sắp xếp lại cho đúng. Tốt nhất nên chụp ảnh lại, nếu có nhiều vật phẩm giống nhau thì đánh số thứ tự để không đặt sai vị trí kẻo ảnh hưởng rất lớn đến tài lộc của gia chủ.