Nghề lạ ở Việt Nam: Trồng loại cây là ‘nhân sâm’ trong sách đỏ, nông dân hái ngọn bán thu lãi gần 2 triệu/tuần

08:27, Chủ nhật 03/09/2023

( PHUNUTODAY ) - Với định hướng canh tác hữu cơ, cây ngũ gia bì hương trở thành cây chủ lực ở Bắc Hà, giúp nông dân đổi đời.

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, với độ cao hơn 2000m so với mực nước biển được mệnh danh là cao nguyên trắng Bắc Hà. Bốn mùa nơi đây mây giăng trắng bay phủ khắp các non cao. Nơi đây còn có tích vào mùa xuân, hoa mận, mơ, lê nở trắng rộ khắp cao nguyên hòa lẫn màn sương trắng giăng mắc trên những sườn núi. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, người dân ở Bắc Hà quanh năm thu hoạch mận, mơ, lê, táo,… và vô số sản vật của núi đồi.

Đối với bà con Lào Cai, ngũ gia bì hương được coi là thần dược. Sử sách ghi lại, ngũ gia bì hương được phát hiện lần đầu tiên ở Phó Bảng, tỉnh Hà Giang năm 1969 do các nhà thực vật học Liên Xô và Việt Nam (trong đó có Viện Dược liệu). Năm 1973, thêm một số điểm phân bố mới được phát hiện ở huyện Đồng Văn và Mèo Vạc – Hà Giang (Nguyễn Tập, Lưu Minh Sư, Bùi Xuân Chương, 1973). Cây ngũ gia bì hương hoàn toàn là cây mọc dại, chưa ghi nhận trường hợp nào trước đó theo hình thức nuôi trồng, canh tác nhằm thu hoạch.

Theo kết quả của các đợt điều tra gần đây (1998 – 2000) của Viện Dược liệu đã xác định 2 điểm phân bố cũ ở khu vực Đồng Văn – Hà Giang đã bị mất nhưng lại bổ sung 2 điểm mới là Sapa và Bắc Hà (thuộc Lào Cai) và một điểm nữa ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ - Hà Giang. Do tình trạng hoang dại hóa mà nhiều năm trước cây ngũ gia bì hương được liệt kê vào danh sách “sách đỏ” thực vật.

Giờ đây ở Bắc Hà, cây ngũ gia bì hương đã và đang được nhiều bà con nông dân ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) gieo trồng theo hướng canh tác hữu cơ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới với những tín hiệu khả quan. Theo y học cổ truyền, ngũ gia bì hương được dùng chữa phong hàn thấp tý, đau lưng, thể lực yếu, dương úy, trẻ em chậm biết đi, cước khí thủy thũng,… Bên cạnh đó, ngâm rượu từ rễ cây ngũ gia bì có tác dụng ức chế trực khuẩn lao, virus cúm, trên lâm sàng có tác dụng điều trị viêm phế quản.

Trên thị trường hiện nay ngũ gia bì hương được bán với giá đắt ngang “nhân sâm” nên còn được gọi là “nhân sâm đất Việt”. Vỏ thân, rễ cây ngũ gia bì hương được bày bán trong hiệu thuốc Y học cổ truyền, đông Y với giá vài triệu đồng, lá cây ngũ gia bì hương phơi/ sấy khô… làm trà cũng có giá tiền triệu. Nhưng thị trường luôn “khát” loại cây này, cung không đủ cầu, nhất là khi ngày càng nhiều người biết đến những công dụng “thần kỳ” của cây ngũ gia bì.

Rau ngũ gia bì hương có giá khá cao, mang lại hương vị mới lạ. Là một loại thảo dược quý cùng họ với sâm, tốt cho sức khỏe nên ngũ gia bì hương được thị trường đón nhận với giá bán 40.000 – 50.000 đồng/kg. Nhưng hiện tại chỉ khu vực Bắc Hà và các huyện lân cận mới có cơ hội tiếp cận ngũ gia bì hương tươi vì nông dân rất hạn chế hái ngọn non hoặc cắt cành sớm.

Muốn thưởng thức rau ngũ gia bì hương phải ghé các nhà hàng đặc sản của Lào Cai. Lá cây thái nhỏ, phơi khô, khi nấu canh cá, canh tôm có thể bỏ thêm chút lá cây ngũ gia bì hương vào nấu chung, canh sẽ có vị đắng nhẹ chứ không đắng gắt. Người dân Bắc Hà cũng dùng ngũ gia bì hương để ăn sống, trộn gỏi, cuốn với thịt heo.

Chị Hà (chủ một trang Facebook bán rau rừng Hà Giang) cho biết chị bán một bó rau ngũ gia bì hương ngọn non xanh tía với giá 45.000 đồng/500g. Mỗi lần lấy hàng, chị Hà chỉ lấy được khoảng 100 bó, chuyển từ Hà Giang về Hà Nội và rau luôn “cháy hàng”.

Năm 2022, mảnh vườn rộng 2.000m2 của gia định chị Sin Thị Thu, ở thôn Na Áng A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là một trong số những mảnh vườn đầu tiên trồng cây ngũ gia bì hương. Đến nay, các gốc cây đã cho sản lượng gần 40kg từ việc thu hái lá ngọn, lợi nhuận dao động khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/ngày. Với hơn 2.000m2 trồng cây ngũ gia bì hương hiện nay, gia đình chị Thu thu về 240 triệu đồng/năm. Cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc lại cho thu hái quanh năm nên đem lại cho người dân nguồn lợi kinh tế cao.

Bà Vàng Thị Tiến (thôn Na Áng A) cũng được hỗ trợ trồng 1.000m2 rau ngũ gia bì hương từ cuối năm 2021. Đến nay, trung bình mỗi tuần bà bán được khoảng 300 nghìn đồng. Nhờ có cây ngũ gia bì hương, nhà bà Tiến ổn định kinh tế, hai con đều được đi học, nhà cửa được sửa sang, mua thêm xe máy để di chuyển, cuộc sống đang được cải thiện.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy