Nghi án oan trong vụ ‘băng cướp nhí’

10:42, Thứ ba 02/09/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bị cáo và hai người liên quan đều phản cung cho rằng mình bị đánh và bị ép cung; Đặc biệt, bị hại khẳng định bị cáo không có tội...

Giữa tháng 8/2014, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa vụ án Lê Hoài Công (15 tuổi) cướp tài sản ra xử phúc thẩm. Cũng như tại phiên tòa sơ thẩm trước đó (do TAND huyện Châu Đức xử), bị cáo Công kêu oan, cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội. Công nói lời nhận tội trước đó tại công an là do em bị đánh, bị ép cung nên mới nhận đại.

Bị cáo nhí Lê Hoài Công tại phiên tòa xét xử
Bị cáo nhí Lê Hoài Công tại phiên tòa xét xử

Hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (là em Mai Công Bằng - 13 tuổi và Hoàng Đỗ Thanh Tú - 14 tuổi, người cùng thực hiện hành vi trộm với Công theo cáo buộc của cơ quan tố tụng) cũng khai giống như Công. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm vẫn kết tội Công và tuyên y án sơ thẩm ba năm sáu tháng tù về tội cướp tài sản.

Gia đình Công cho hay đã làm đơn kêu oan gửi TAND Tối cao xin xem xét lại bản án.

Cả hai phiên tòa đều khai bị đánh đập, ép cung

Theo cáo trạng, do cần tiền tiêu xài nên Công, Bằng và Tú bàn nhau đi trộm cắp tài sản để lấy tiền tiêu xài. Khoảng 3 giờ sáng 13-9-2013, cả ba đi đến nhà ông Nguyễn Văn Long ở ấp Bình Đức, xã Bình Ba (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu). Tại đây, Bằng và Tú đứng ở ngoài cảnh giới còn Công vào nhà ông Long. Lúc này, vợ chồng ông Long vừa mới ra khỏi nhà đi cạo mủ cao su, trong nhà chỉ còn cô con gái 16 tuổi tên NTTH đang ngủ. Công đã dùng cây cao su đập vỡ cửa kính cửa trước nhưng không được. Sau đó, Công dùng lưỡi cưa sắt (dài khoảng 30 cm) mang theo để cưa song cửa sổ rồi dùng tay bẻ cong tạo thành lỗ trống, đột nhập vào nhà. Thấy H. đang ngủ, Công dùng con dao rọc giấy (dài 20 cm, cán nhựa màu vàng) khống chế H. để chiếm đoạt 350.000 đồng rồi chạy thoát. Tiền đó cả ba chia nhau tiêu xài.

Ngày 17-1, TAND huyện Châu Đức mở phiên tòa xét xử Công về tội cướp tài sản (Tú và Bằng không bị truy tố vì được xác định là cả hai chỉ bàn đi trộm, số tiền trộm cắp chưa đủ định lượng để xử hình sự). Tại tòa, cả Công, Tú và Bằng đã phản cung. Cả ba cho rằng mình bị Công an huyện Châu Đức ép cung, đánh để buộc nhận tội. Theo Công, thời điểm xảy ra vụ án Công và Tú đang ngủ tại cây xăng Mai Khê (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức - cách hiện trường vụ án vài km) để trông coi kho xăng thay cho anh trai Công (anh trai Công làm thuê cho cây xăng).

Trước lời khai này, tòa đã hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, cơ quan điều tra và VKS cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Khi mở lại phiên tòa, TAND huyện Châu Đức đã xử phạt Công ba năm sáu tháng tù. Công kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Công, Tú và Bằng vẫn khẳng định mình không trộm cướp mà chẳng qua chỉ bị ép cung.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định: Công khai thời điểm gây án Công cùng Tú ngủ lại cây xăng nhưng chủ cây xăng cho hay chỉ thuê anh của Công bán xăng còn Công chỉ phụ giúp cho anh mình. Thời gian bán xăng là từ 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày, ngoài thời gian trên, chủ không thể quản lý hay biết được nhân viên đi đâu, làm gì. Công khai cùng Tú ở cây xăng nhưng tại cơ quan điều tra và các biên bản lấy lời khai (có người giám hộ) Tú đều khai cả ba bàn bạc để đi trộm. Tại phiên tòa sơ thẩm, khi nghe Công và Bằng thay đổi lời khai, Tú mới thay đổi để cho phù hợp. Luật sư (bào chữa chỉ định cho Công) khẳng định Công không bị đánh đập, ép cung. Bố mẹ Công cũng nói không thấy con mình bị ép cung mà chỉ nghe Công nói lại như vậy.

Cuối cùng, HĐXX nhận định dù tại tòa Công phản cung nhưng mọi lời khai trước đó đều phù hợp với các lời khai khác của người liên quan và người bị hại. Việc thay đổi lời khai không phù hợp với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, tòa tuyên y án sơ thẩm.

Người giám hộ không có mặt khi công an lấy lời khai

Sau phiên xử phúc thẩm, phóng viên đã tìm gặp hai em Tú và Bằng, người liên quan của vụ án. Dù không bị xử hình sự nhưng cả Tú và Bằng đều khẳng định mình bị cáo buộc oan, bị ép phải nhận việc mà mình không làm. Hai em kể khi công an xã gọi lên và bắt đưa về công an huyện, cả ba bị nhốt riêng ba phòng, Tú và Bằng đều bị đánh đập. Vì sợ bị đánh thêm nên hai em phải ký nhận tội (sau này nghe cả Công cũng thế).

“Khi khai, các em đều có cha, mẹ giám hộ chứng kiến mà?” - PV hỏi. Cả hai em đều trả lời lúc đó cha, mẹ hai em đứng ở ngoài, sau đó mới được công an kêu vào ký giấy. Tú kể: “Vào công an bị đánh rất đau nên em ký nhận vì nghĩ ký xong được đi về. Hôm xảy ra vụ việc, em cùng với Công đang ngủ ở cây xăng cả đêm, không đi đâu cả. Tụi em không có xe máy để đi. Nhưng hiện giờ không có ai làm chứng… Đến giờ em mới biết tuổi của em khi công an làm việc phải có người thân ở cùng”.

Bà Phan Thị Diệu Hiền, mẹ của em Bằng, cũng khẳng định những lần công an lấy lời khai Bằng, bà không được mời vào chứng kiến mà chỉ ở bên ngoài. Sau đó, công an đưa bà ký vào hàng loạt giấy tờ. Bà nói thêm: “Sau khi Bằng ở công an về, các đầu ngón tay của nó bị bầm trầy, tứa máu. Nó bảo bị công an dùng kẹp kẹp vào đầu ngón tay rồi lấy bút bi gí vào. Tôi phải đi mua thuốc về chữa trị cho nó. Ở tòa tôi cũng khai như vậy nhưng bị tòa hỏi chứng cứ đâu, tôi bảo lúc đó tôi không biết phải lấy giấy chứng thương để sau này trình chứng cứ cho tòa”.

Mẹ của Công cũng cho hay công an có mời gia đình lên nhưng cho ngồi ở ngoài chờ. Khi xong, công an mời gia đình vào ký giấy.

Giọng nói bị cáo không phải của đối tượng đã uy hiếp

Trong các bản án của tòa khẳng định lời khai của Công, Tú và Bằng (tại cơ quan điều tra) phù hợp với lời khai của người bị hại. Tuy nhiên, nội dung bản án không ghi rõ bị hại (em NTTH) khai ra sao trước những lời phản cung của Công.

Trao đổi với PV, em H. kể: “Lúc ấy, em đang ngủ say trong phòng, cửa phòng có chốt, trong phòng tắt điện. Bỗng có người trèo qua tường của phòng ngủ xuống, bịt miệng em lại và dùng một vật sắc, nhỏ kề vào em hô nằm im, sau đó kêu đưa tiền. Do mẹ có để lại cho em 150.000 đồng để đóng tiền học nên em đưa cho người này. Người này lại đòi em lục tủ nên em đã lục lấy thêm 200.000 đồng nữa. Lấy tiền xong, người này mở cửa thoát ra ngoài, sau đó mở cửa bếp để chạy tiếp”.

“Người vào nhà lấy tiền hôm đó có phải là bị cáo Công không?” - PV hỏi. H. trả lời: “Do thời gian lấy tiền hơi lâu nên em nghe được giọng của người này. Người này đi một lát em mới bình tĩnh ra mở cửa gọi báo hàng xóm, khi đó cũng đã hơn 5 giờ 30 sáng. Tại tòa, em cũng nói chỉ nhớ dáng người của người này cao, giọng nói trầm trầm, ồ ồ, trong khi Công thấp người, nhỏ con. Khi ra tòa, em mới hay Công là thủ phạm. Em có biết Công sơ sơ trước đó. Giọng nói và dáng của Công không giống người đã uy hiếp em”.

Ông Nguyễn Văn Long (bố em H.) cho biết công an có đưa Công đến nhà ông để thực nghiệm hiện trường. Cửa sắt nhà ông đã được hàn lại ngay sau sáng xảy ra sự việc. Khi thực nghiệm, người ta không diễn lại cảnh Công cưa cửa sắt chui vào. “Khi về nhà, tôi quan sát thấy khung cửa sắt bị bẻ cong hở một khúc rất nhỏ. Dù người Công nhỏ nhưng nếu không ai kéo phụ thì cũng không thể chui qua đó để vào nhà được…” - ông Long nói.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: mailt
TIN MỚI CẬP NHẬT