21 tỷ đồng sắp bồi thường cho người chịu án oan

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - TAND Tối cao đang thẩm định bản án của TAND TP Thái Bình để chuyển sang Bộ Tài chính trích kinh phí hơn 21 tỉ đồng bồi thường cho 1 người dân phải chịu án oan.

Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết TAND Tối cao đang nghiên cứu, thẩm định bản án của TAND TP Thái Bình yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường thiệt hại cho công dân Lương Ngọc Phi (tỉnh Thái Bình) số tiền hơn 21 tỉ đồng.

Sau khi thẩm định xong, TAND Tối cao sẽ chuyển hồ sơ bản án sang Bộ Tài chính để trích ngân sách nhà nước bồi thường cho ông Phi theo đúng quy trình.

Bà Hằng khẳng định Cục Bồi thường Nhà nước sẽ giám sát việc thực hiện bồi thường thiệt hại oan sai cho ông Phi.

Mô tả ảnh.
Ông Lương Ngọc Phi

Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/1998, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình (trụ sở đặt tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), về hành vi “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. 1 tháng sau đó ông Phi bị bắt giam. Toàn bộ tài sản của ông Phi và công ty đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình phát mại với giá rẻ mạt.

Đến tháng 9/2009, TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội danh trên. Ông Phi kháng án và đến ngày 26/4/2000 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên ông Phi không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm”; tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu.

Đến cuối năm 2003, Viện KSND tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Phi sau 35 tháng bị bắt giam oan.

Sau khi được TAND tỉnh Thái Bình xin lỗi công khai tại nơi cư trú, ông Phi phải mất nhiều năm trời “lao tâm khổ tứ” đòi bồi thường án oan. Sau 6 lần thương lượng bất thành với hai cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình, ông Phi đã phải khởi kiện ra tòa đồi bồi thường sau khi phải chịu án oan.

Trong vụ “kiện đòi bồi thường tổn thất về tinh thần và thu nhập thực tế”, TAND TP Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi 600 triệu đồng. Năm 2010, ông Phi đã nhận được số tiền này.

Tuy nhiên, vụ ông Phi kiện TAND tỉnh Thái Bình và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình “đòi bồi thường thiệt hại về tài sản” dây dưa nhiều năm trời và liên tục bị hoãn lại. Tới tháng 8/2013, TAND TP Thái Bình mới mở lại phiên xử và tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền trên 21 tỉ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông. Ngoài ra, tòa cho rằng Công an tỉnh Thái Bình không có trách nhiệm trong vụ việc này nên bác yêu cầu đòi bồi thường 27 tỉ đồng của ông Phi.

“Đến nay bản án đã có hiệu lực 8 tháng rồi nhưng tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào về thời điểm họ (TAND tỉnh Thái Bình - PV) sẽ bồi thường cho tôi cả. Cả gia đình tôi đều rất mệt mỏi về vụ việc này rồi. Chỉ mong sớm được bồi thường để chấm dứt vụ việc, còn đi làm việc khác”- ông Phi nói.

Việc 1 người dân bị án oan sắp được bồi thường hơn 21 tỉ đồng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận bởi thời gian vừa qua khá nhiều vụ án oan đã được phát hiện đặt ra vấn đề bồi thường cho các nạn nhân.

Trước đó, vụ việc ông Nguyễn Văn Thêm (82 tuổi, ngụ phường Long Sơn, thị xã Tân Châu) mất đến 20 năm đòi bồi thường oan sai cũng đã gây xôn xao dư luận.

Tháng 11/2013,  TAND tỉnh An Giang xét xử vụ án liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Thêm (82 tuổi, ngụ phường Long Sơn, thị xã Tân Châu) kiện đòi Cơ quan CSĐT Công an huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bồi thường hơn 3,8 tỉ đồng vì bị bắt giam oan sai.

Mô tả ảnh.
Lão nông Nguyễn Văn Thêm

Ông Thêm cho biết năm 1986, huyện lấy 5.000 m2 đất rẫy của ông để giao cho các hộ dân khác sản xuất nhưng không có quyết định thu hồi. “Đến khi thấy đất bị bỏ hoang không ai canh tác, tôi đem mía, đậu xanh vào trồng thì bị công an xã giải đến công an huyện rồi bị khởi tố, tạm giam về tội vi phạm các quy định về quản lý đất và bảo vệ đất đai gì đó”- ông Thêm nhớ lại. 

Năm 1990, TAND huyện Hồng Ngự tuyên phạt ông Thêm 12 tháng tù giam và buộc phải giao toàn bộ phần đất rẫy cho huyện. Sau đó, TAND tỉnh Đồng Tháp hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm điều tra và xét xử lại. Thế nhưng, vụ án bị lãng quên một cách khó hiểu. Đầu tháng 7/2009, khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu xem xét lại vụ án thì Công an huyện Hồng Ngự mới có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với lý do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội.

Từ đây, ông Thêm quyết đòi bồi thường oan sai, yêu cầu Công an huyện Hồng Ngự phải bồi thường thiệt hại do không khai thác đất, tổn thất về tinh thần và vật chất trong thời gian bị bắt giam.

Tại phiên phúc thẩm sáng 14/11, chủ tọa phiên tòa cho rằng các cơ quan tố tụng huyện Hồng Ngự và TAND thị xã Tân Châu đã vi phạm nghiêm trọng. “Cơ quan CSĐT Công an huyện Hồng Ngự đã “treo lửng” vụ án mà còn viện dẫn chuyện thất lạc hồ sơ là không thể chấp nhận. Quyền công dân của ông Thêm bị đánh mất trong khoảng thời gian khá dài, từ năm 1991-2010”- chủ tọa khẳng định và cho biết về thủ tục thì vụ án kiện đòi bồi thường oan sai của ông Thêm đủ cơ sở để đưa ra xét xử. Do đó, HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND thị xã Tân Châu để cơ quan này xét xử lại. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn