Ngoài lương hưu hàng tháng, người về hưu còn hưởng chế độ gì khác?
Thứ nhất, lương hưu hàng tháng được điều chỉnh định kỳ. Lương hưu không phải là một con số cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà sẽ được Chính phủ điều chỉnh tăng đều đặn để bảo đảm giá trị thực của lương hưu, giúp người hưởng lương duy trì mức sống phù hợp.
Thứ hai, người hưởng lương hưu hàng tháng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Từ khi bắt đầu nhận lương hưu cho đến khi qua đời, người hưởng lương hưu sẽ nhận được thẻ BHYT với quyền lợi cao, mức hưởng lên tới 95%. Trong khi đó, nếu mua BHYT theo hộ gia đình, mức hưởng chỉ đạt 80%.
Ngoài ra, nếu người nhận lương hưu không may qua đời trong thời gian đang hưởng lương, thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất. Chế độ tử tuất bao gồm:
Trợ cấp mai táng phí: Bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu qua đời (hiện tại là 2,34 triệu đồng/mức lương cơ sở).
Trợ cấp tuất hàng tháng: Mức trợ cấp là 50% hoặc 70% mức lương cơ sở.
Trợ cấp tuất một lần: Nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Lương hưu được điều chỉnh như thế nào từ 01/7/2024?
Thay vì thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết 27 từ 01/7/2024 thì thời điểm này chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở trước.
Như vậy về cơ bản, công thức tính lương hưu không có gì thay đổi so với trước đó. Từ ngày 01/7/2024, theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024 đối với các đối tượng theo quy định.
Cũng từ thời điểm này, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% như nêu trên mà có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
- Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng: Đối với người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
- Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng: Đối với người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Trước đó, tại Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Quốc hội đã thống nhất thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở từ ngày 01/7/2024.
Tại phiên họp thứ 31 vào chiều ngày 15/3/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung cho biết, phương án điều chỉnh lương hưu sẽ được phân chia thành 03 nhóm đối tượng:
Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Mức tăng lương hưu của nhóm này sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 01/7/2024.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Nhóm thứ hai là những người nghỉ hưu trước ngày 01/7/2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.
Nhóm thứ ba là những người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, vì thực hiện tăng lương cơ sở nên các phương án này tạm thời chưa được thực hiện, việc tăng lương hưu cho các đối tượng quy định thực hiện theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP.