Người biểu tình Ukraine bất chấp tối hậu thư

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ông Turchynov ra tối hậu thư rằng người biểu tình phải hạ vũ khí trước 6h (theo giờ địa phương, 13h Hà Nội) ngày 14/4, nếu không sẽ phải đối mặt với vũ lực. Tuy nhiên, hiện thời hạn chót mà Tổng thống đặt ra đã trôi qua nhưng người biểu tình vẫn phớt lờ mệnh lệnh.

Tổng thống Turchynov hôm 13/4 tuyên bố tổ chức một "chiến dịch chống khủng bố" quy mô lớn với sự tham gia của toàn bộ lực lượng vũ trang Ukraine, nhằm giành lại quyền kiểm soát các trụ sở cảnh sát và chính quyền bị lực lượng nổi dậy ủng hộ Nga chiếm đóng ở nhiều thành phố phía đông những ngày gần đây. Ít nhất hai người đã thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan an ninh Ukraine, và nhiều người khác bị thương khi phe biểu tình đụng độ với cảnh sát.

Tuy nhiên, các phần tử ly khai tiếp tục chiếm giữ những tòa nhà chính quyền ở 10 thành phố đông Ukraine và từ chối chấp hành thời hạn cuối cùng sáng 14/4 do chính quyền Kiev thiết lập yêu cầu họ rời đi.

 Người biểu tình bao vây văn phòng thị trưởng ở Slaviansk, đông Ukraine. (Ảnh: Reuters).

Theo AFP, khoảng 100 người ủng hộ Nga với gậy và đá vẫn tiếp tục tấn công vào một trụ sở cảnh sát tại thị trấn phía đông Gorlivka, thuộc vùng Donetsk, đập phá cửa sổ và cướp lá chắn kim loại từ cảnh sát.

Những người này tuyên bố họ là một phần của "nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin bảo vệ họ trước lực lượng chính phủ Ukraine.

Ukraine trong thế giằng co Đông - Tây

Trước tình hình đang ngày một nóng lên tại miền Đông Ukraine, hàng loạt các cuộc họp khẩn cấp được tổ chức để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu hôm qua có cuộc gặp tại Luxembourg để thảo luận về biện pháp đối phó với Nga. Tuy nhiên, kết thúc một ngày họp nhưng các nước vẫn chưa nhất trí được biện pháp trừng phạt xa hơn nhằm vào Nga.

Anh và Pháp đều kêu gọi Liên minh châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Trong khi một số nước cảnh báo rằng, thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ khiến tình hình căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đối thoại 4 bên bao gồm Nga, Mỹ, Ukraine và Liên minh châu Âu dự kiến nhóm họp tại Geneva vào ngày 17/4 tới để thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Theo Ngoại trưởng Đức, cuộc họp này có thể là cơ hội giúp giảm căng thẳng, mặc dù mọi biện pháp trừng phạt đều được để ngỏ.

Trước những sức ép từ Mỹ và Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua 14/4 đã kiên quyết bác bỏ âm mưu của Mỹ và một số nước châu Âu quy trách nhiệm cho Nga về tình hình tại Ukraine. Ông Lavrov khẳng định, tại Ukraine không có nhân viên tình báo hay an ninh Nga, trong khi đó Mỹ chưa có câu trả lời thỏa đáng về chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ tới Kiev. Ngoại trưởng Nga cũng cảnh báo việc chính quyền Ukraine không được sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình tại nước này.

“Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng, việc Ukraine chia tách không nằm trong lợi ích của Nga, tuy nhiên Nga muốn tất cả các công dân của nước này được chính quyền đối xử như nhau. Chúng tôi nêu rõ rằng bất cứ hành động sử dụng vũ lực nào nhằm vào người biểu tình cũng sẽ phá hoại nghiêm trọng triển vọng hợp tác đẻ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine".

Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 14/4 cũng đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc đưa các binh sĩ gìn giữ hòa bình tới đông Ukraine để loại trừ các phần tử vũ trang đang đòi ly khai chiếm đóng các tòa nhà chính phủ.

Mâu thuẫn âm ỉ

Thực ra Ukraine vốn đã bị giằng xé giữa 2 xu hướng thân Nga và thân phương Tây trong suốt 22 năm qua kể từ khi tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Bộ phận thân Nga cho rằng Nga mới là anh em đích thực, chung truyền thống, chung Chính thống giáo. Họ sợ sự “bành trướng” của phương Tây sẽ làm tan rã, chẳng hạn, các giá trị gia đình của Ukraine. Bộ phận muốn thoát khỏi “ảnh hưởng của Nga” thì muốn khẳng định bản sắc Ukraine, chủ quyền của nước này (trước Nga), và trông chờ vào những điều kỳ diệu từ EU.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đang gia tăng căng thẳng từng ngày. Các bên đều đang thận trọng trong từng bước đi của mình, vì những biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau trong thời điểm này không chỉ tác động đến chính các nước đưa ra biện pháp trừng phạt cũng như bị áp đặt trừng phạt, mà còn ảnh hưởng đến cục diện chính trị kinh tế toàn cầu.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn