Người không có smartphone quét mã QR bằng cách nào?
Hiện nay, việc tạo và quét mã QR phần lớn được thực hiện qua ứng dụng Bluezone trên smartphone - điện thoại thông minh.
Trong phòng chống dịch, việc quét QR Code khi ra vào điểm công cộng hoặc tại các cửa hàng sẽ giúp truy vết nhanh những người đã từng đến địa điểm đó, trong khoảng thời gian xác định (khi bạn quét mã). Trường hợp có ghi nhận có ca nghi nhiễm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành truy vết nhanh chóng. Đây là một trong các giải pháp truy vết các ca nghi nhiễm nên gần đây ban thấy nhiều cửa hàng, cơ sở dịch vụ tại Hà Nội có mã QR Code và được yêu cầu quét khi đến.
Nhiều người dân thắc mắc rằng, vậy những trường hợp không có điện thoại thông minh do không đủ điều kiện hoặc không biết cách sử dụng thì họ sẽ quét mã QR như thế nào hay có cơ chế riêng gì dành cho các đối tượng này không?
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết trên VnExpress, đối với những trường hợp không có hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh thì có thể dùng Thẻ bảo hiểm y tế hoặc Căn cước công dân có mã QR để quét mã. Và các chủ nhà hàng, địa điểm công cộng sẽ sử dụng ứng dụng để quét mã QR và ghi nhận lượt ra/vào của các khách hàng.
Qua những thử nghiệm trên thực tế, sau khi quét mã CCCD bằng Bluezone, ứng dụng sẽ hiện tên viết tắt của người dân cùng với giới tính và năm sinh của người sử dụng. Thời gian ra vào các điểm cũng được ghi nhận ngay trên hệ thống qr.tokhaiyte.vn.
Về việc quét bằng CCCD và Thẻ bảo hiểm y tế, Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cho biết, đây là một trong những phương pháp mới được áp dụng để ghi lại thông tin ra vào các địa điểm. Nhưng phương pháp này có điểm hạn chế là không hiển thị số điện thoại của người dân.
Cách khác, trong trường hợp không có smartphone, người dùng có thể khai báo y tế trên website tokhaiyte.vn, hoặc nhờ người thân dùng tính năng “Khai hộ” trên các ứng dụng.
Sau khi website và ứng dụng tạo ra một mã QR, người dân có thể in mã ra và mang theo để quét khi đến địa điểm công cộng. Dù vậy, lựa chọn này chỉ phù hợp với người có điều kiện in ấn dễ dàng.
Mã QR Code là gì và tại sao phải quét mã QR Code? Mã QR Code có khác mã vạch không?
Mã QR Code (hay còn gọi là mã QR) là viết tắt của Quick response code (Mã phản hồi nhanh), hoặc có thể gọi là Mã vạch ma trận (Matrix-barcode). Đây là một dạng thông tin được mã hóa để hiển thị sao cho máy có thể đọc được.
Về lịch sử, QR Code xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994, được tạo ra bởi Denso Wave (công ty con của Toyota). QR Code bao gồm những chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng. Một mã QR có thể chứa đựng thông tin một địa chỉ web (URL), thời gian, địa điểm diễn ra một sự kiện, thông tin liên hệ, địa chỉ email, tin nhắn SMS, nội dung ký tự văn bản…. Tùy thuộc thiết bị đọc mã QR mà bạn dùng khi quét, nó sẽ dẫn bạn tới một trang web, gọi đến một số điện thoại, xem một tin nhắn, tài liệu văn bản...
Mã QR Code cũng là dạng mã vạch nhưng là phiên bản cải tiến của mã vạch truyền thống. Mã vạch truyền thống là một dãy các vạch được xếp liền kề nhau, chỉ chứa được tối đa 20 ký tự số, trong khi đó thì mã QR có khả năng chứa tối đa 7.089 ký tự số và 4.296 ký tự chữ số. Điều này cho phép lượng thông tin truyền tải sẽ nhiều hơn, hỗ trợ tốt hơn cho người dùng.
Nếu so về kích thước thì QR Code chiếm ít không gian hơn rất nhiều so với mã vạch truyền thống.
QR Code cho phép quét và đọc mã nhanh hơn bằng các thiết bị như máy đọc mã vạch hoặc smartphone (điện thoại di động thông minh) có camera với ứng dụng cho phép quét mã, tiện lợi cho người dùng.